Cùng với nhiều tỉnh thành trong cả nước, hơn 1 năm qua, chuyển đổi số ở Thủ đô Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã đáp ứng được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Để có được kết quả đó, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành những chính sách lớn với mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số trên địa bàn. Cùng với đó, Sở TT&TT cũng luôn nỗ lực đồng hành cùng các đơn vị để nghĩ ra cách làm hay, mô hình sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn về chuyển đổi số. VietNamNet giới thiệu tuyến bài viết về chuyển đổi số ở Hà Nội.
XỬ LÝ TOÀN BỘ HỒ SƠ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG
Trước khi nghị quyết ‘0 đồng’ được HĐND TP Hà Nội thông qua vào tháng 7/2023, ông Nguyễn Xuân Lưu - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, năm 2022, tổng thu ngân sách phí, lệ phí ở Hà Nội là 9.720 tỷ đồng, nhưng thu qua hình thức trực tuyến chỉ đạt trên 36,5 tỷ đồng. Số lượng người dân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) bằng hình thức trực tiếp vẫn cao (chiếm khoảng 70%).
Để thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 18 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đặt ra mục tiêu thành phố đi đầu về xử lý toàn bộ hồ sơ trên môi trường mạng.
TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu 100% TTHC được xác định đủ điều kiện theo quy định pháp luật và các điều kiện kỹ thuật được cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các sở, ngành đẩy mạnh thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.
Để thực hiện mục tiêu trên, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết miễn phí cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nghị quyết ra đời góp phần khuyến khích, động viên người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến.
Từ đó, nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo tiền đề cho việc “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo đúng mục tiêu đặt ra. Thời gian miễn phí 82 TTHC trên địa bàn TP Hà Nội đến hết tháng 12/2025.
Cụ thể, các dịch vụ được miễn phí gồm: Cấp phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép); cấp phép xây dựng mới với các công trình khác; gia hạn giấy phép xây dựng; cấp mới đăng ký kinh doanh; chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh…
HẾT CẢNH NGƯỜI DÂN XẾP HÀNG LÀM LÝ LỊCH TƯ PHÁP
Một trong những giải pháp đột phá trong chuyển đổi số mà người dân Hà Nội nhận thấy chuyển biến tích cực nhất trong giải quyết TTHC đó là việc cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hơn một năm trước, dịp sau Tết Nguyên đán 2023, nhiều người dân Thủ đô phải dậy từ 4h sáng đến Sở Tư pháp xếp hàng xin cấp phiếu.
Thời điểm đó, để đáp ứng yêu cầu của người dân, Sở Tư pháp đã bố trí thêm 7 người tiếp nhận, xử lý phiếu lý lịch tư pháp, đồng thời tăng thời gian làm việc trong ngày. Dù cán bộ đã làm cật lực, không có thời gian nghỉ, nhưng có thời điểm vẫn bị quá tải.
Để không lặp lại tình trạng trên, thời gian qua, TP Hà Nội và Sở Tư pháp đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích thiết thực từ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Ngày 22/4, Sở Tư pháp TP Hà Nội triển khai thí điểm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID cho các trường hợp công dân Việt Nam có tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Trường hợp chưa có tài khoản có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP Hà Nội.
Phiếu lý lịch tư pháp được cấp bằng bản điện tử có giá trị pháp lý như bản gốc phiếu lý lịch tư pháp giấy. Phiếu lý lịch tư pháp điện tử sẽ mặc định được trả về tài khoản của công dân trên VNeID, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP Hà Nội.
"Phần lớn hồ sơ và cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện trên môi trường mạng, kết quả trả qua đường bưu điện”, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội chia sẻ.
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC Sở Tư pháp những ngày gần đây không còn thấy cảnh người dân phải xếp hàng chờ nộp hồ sơ làm lý lịch tư pháp như một năm trước. Theo bà Hương, việc tăng cường cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hình thức cấp phiếu lý lịch tư pháp đã đơn giản hóa các thủ tục thực hiện so với trước đây rất nhiều.
LAN TỎA MÔ HÌNH '0 ĐỒNG'
Trong cuộc họp Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ vào cuối tháng 3/2024, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã biểu dương những kết quả của các bộ, ngành, địa phương triển khai trong thời gian qua.
Để việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội làm tiền đề đẩy mạnh trên toàn quốc, Tổ trưởng Tổ Công tác đề nghị, các bộ, ngành (Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp) khẩn trương phối hợp với UBND TP Hà Nội tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cần phối hợp.
UBND các địa phương (TP.HCM, Khánh Hòa, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Kiên Giang) nghiên cứu các nhóm tiện ích thúc đẩy Đề án 06 của UBND TP Hà Nội để lựa chọn áp dụng triển khai phù hợp với tình hình địa bàn gắn theo 5 nhóm (pháp lý – hạ tầng – an ninh an toàn – dữ liệu – nguồn lực).
Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đề nghị các địa phương tham mưu đề xuất HĐND ban hành mức phí, lệ phí “0 đồng” để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.
Thời điểm đó, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thành những giải pháp thu thuế khoán hộ kinh doanh, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, miễn phí khai thác dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, chuẩn hóa dữ liệu đối với các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội đang triển khai sổ sức khỏe điện tử.
Bài 3: Đột phá không dùng tiền mặt thúc đẩy kinh tế số ở Thủ đô
Theo Nghị quyết số 11 HĐND TP Hà Nội, từ ngày 1/6 đến hết ngày 31/12/2024, thành phố hỗ trợ 100% mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.
Từ khi Nghị quyết số 11 có hiệu lực, trung bình mỗi ngày Sở Tư pháp Hà Nội tiếp nhận từ 500-700 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Theo quy định hiện hành, mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người. Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ: 100.000 đồng/lần.
UBND TP Hà Nội cho biết, tổng kinh phí hỗ trợ 100% mức phí từ ngày 1/6 - 31/12/2024 là gần 10 tỷ đồng.