Gần 15h ngày 6/9, do ảnh hưởng hoàn lưu xa của bão số 3, trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện giông lốc ở nhiều quận, huyện với thời gian kéo dài 30 phút.
Giông lốc kèm theo mưa lớn, gió giật đã gây hậu quả nghiêm trọng làm hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố như Hàng Cá (quận Hoàn Kiếm), đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai), đường Nguyễn Xuân Linh (quận Cầu Giấy), đường 70 (huyện Thanh Trì)… bị bật gốc.
Đáng nói, đã ghi nhận 2 trường hợp người dân tử vong do bị cây đổ đè trúng trong trận giông lốc này.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm khi có bão hình thành siêu bão ngay trên Biển Đông.
Thống kê cũng cho thấy chưa có cơn bão nào đi vào Biển Đông mà mạnh lên thành cấp siêu bão. Chỉ có 2 cơn đi từ Tây Bắc Thái Bình Dương vào khu vực này đạt cấp siêu bão nhưng không ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Cụ thể, bão Rai tháng 12/2021, đạt cấp 16 ở Biển Đông, hướng vào miền Trung nhưng sau đó đi vòng lên, tan dần ở Bắc Biển Đông. Thứ hai là bão Sao La tháng 8/2023, đạt cấp siêu bão trên Biển Đông và đi vào nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, với bão số 3 Yagi lại có quá trình mạnh lên rất nhanh, từ thời điểm vào Biển Đông (ngày 2/9) cấp 8, đến hơn 2 ngày sau bão đã mạnh thêm tới 8 cấp, đạt cấp siêu bão vào ngày 5/9. Theo ông Khiêm, đây là điều tương đối hiếm gặp đối với bão trên Biển Đông.
Đặc biệt, thời gian duy trì cường độ cấp 16 hơn 1 ngày cũng là khá dài đối với một cơn bão trên Biển Đông.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm đặc biệt lưu ý trước khi bão đến sẽ vẫn có mối nguy hiểm do mưa giông trước bão, trong cơn giông có thể gây gió giật mạnh.
Với những trận mưa giông, gió giật mạnh ở Hà Nội, nguy cơ cây đổ, tôn, biển quảng cáo bay là rất nguy hiểm tới tính mạng của người đi đường.
Với người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 cần tuyệt đối không cố ra ngoài lúc mưa to gió lớn.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nêu thực trạng một số người dân vẫn chủ quan, cố tình ở lại bảo vệ tài sản. Vì vậy, phải kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Theo đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, trong ngày 6/9, các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã sơ tán hơn 37.180 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn.
Trước khi bão đổ bộ hôm nay, ông Phạm Đức Luận đặc biệt lưu ý, ngay từ sáng, người dân nên ở nhà vì bán kính hoàn lưu của bão rất rộng.