Thật không may cho nhiều người, ảnh hưởng của việc nhiễm Covid-19 không kết thúc khi có xét nghiệm âm tính. Các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu về tác động của Covid-19 kéo dài và phân tích cho thấy mắc Covid-19 có thể gây tăng huyết áp.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Hypertension của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) đã điều tra sự phát triển và các yếu tố nguy cơ liên quan đến huyết áp cao dai dẳng ở những người nhiễm Covid-19 so với bệnh cúm.
Nhóm tác giả phân tích dữ liệu sức khỏe tại Hệ thống Y tế Montefiore của Mỹ. Họ xem xét hơn 45.000 người mắc Covid-19 và gần 14.000 người bị cúm mà không mắc Covid-19. Thời gian theo dõi là 6 tháng.
Theo đó, 21% số người nhập viện vì Covid-19 bị huyết áp cao trong khi chỉ số này ở số người mắc cúm nhập viện là 16%. Ngoài ra, nguy cơ bị tăng huyết áp dai dẳng ở nhóm nhập viện do Covid-19 gấp đôi so với bị cúm.
Cuối cùng, nghiên cứu ghi nhận nhóm có nguy cơ tăng huyết áp cao nhất là những người nhiễm SARS-CoV-2 trên 40 tuổi, da màu hoặc có bệnh nền (phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh động mạch vành hoặc bệnh thận mạn tính). Theo Prevention, huyết áp cao dai dẳng cũng phổ biến hơn ở các bệnh nhân Covid-19 được điều trị bằng thuốc hạ huyết áp và thuốc chống viêm.
Covid-19 có thể tác động đến huyết áp như thế nào?
Bác sĩ tim mạch người Mỹ Jayne Morgan giải thích: “Covid-19 tác động tiêu cực đến niêm mạc tĩnh mạch và động mạch, thậm chí làm tăng nguy cơ phát triển cục máu đông”. Vì vậy, Tiến sĩ Morgan cho biết không có gì ngạc nhiên khi Covid-19 cũng ảnh hưởng đến huyết áp.
Tiến sĩ Tim Q. Dương, nhà nghiên cứu cấp cao, cho biết ngoài căng thẳng về tim mạch và suy hô hấp, tình trạng viêm, căng thẳng do đại dịch và giảm hoạt động thể chất đều có thể góp phần gây ra tình trạng tăng huyết áp dai dẳng ở những người không có tiền sử tăng huyết áp.
Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, huyết áp của người dân tăng nhẹ có thể đồng nghĩa với tăng số lượng các biến chứng liên quan đến tăng huyết áp như đột quỵ, bệnh tim và thận. Tiến sĩ Duong nói: “Những phát hiện này sẽ nâng cao nhận thức để sàng lọc bệnh nhân có nguy cơ bị tăng huyết áp sau khi mắc Covid-19”.
Amesh A. Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh sức khỏe Johns Hopkins (Mỹ), chia sẻ mặc dù chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng có giả thuyết việc tiêm vắc xin sẽ khiến mọi người ít có nguy cơ bị tăng huyết áp hơn vì vắc xin làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tiến sĩ Morgan nói dữ liệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh góp phần rất lớn vào nguy cơ phát tăng huyết áp sau khi nhiễm Covid-19. “Cho đến nay, các chủng SARS-CoV-2 mới tiếp tục gây bệnh nhẹ do đó, dự kiến sẽ tác động đến cả tình trạng tăng huyết áp tạm thời và dai dẳng ở mức độ thấp hơn so với các biến thể trước đây có độc tính cao hơn”.