Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó từ nhiều thập kỷ trước là một tổ hợp hài hòa giữa cư dân/nhà/ngõ/phố, trong đó mọi hợp phần đều nhỏ như nhau nên không xảy ra những xung đột gì đáng kể. Phố nhỏ nhưng vẫn thông thoáng. Ngõ nhỏ nhưng vẫn đủ rộng để vận hành các đám tang, đám cưới từ nhà ra ngõ, ra phố.
Đám cháy ở quận Thanh Xuân vẫn còn làm rúng động dư luận với những câu hỏi tại sao, tại đâu, tại ai... đầy day dứt và tiếc nuối.
Nhà cấp 4 tại các ngõ, phố này hầu như đã biến mất chỉ trong vòng một, hai thập kỷ vừa qua. Thay vào đó là những nhà ở kiên cố với 6 tầng trở xuống cho mỗi gia đình. Nếu chỉ dừng lại ở kết quả này thì việc đô thị hóa đối với phân khúc “ngõ nhỏ, phố nhỏ” còn tạm được coi là một thành tựu đáng ghi nhận.
Nhưng sự thật đã đi quá đà khi ngày càng nhiều người lao vào kinh doanh chung cư mini. Để có 200-400m2 mặt bằng xây chung cư mini, họ mua luôn hơn chục nhà cấp 4 trong ngõ hẹp, sau đó đập bỏ các nhà cấp 4 rồi xây trên đó chung cư mini với 6 tầng hoặc ”cao cao mãi”.
Sau khi hoàn thành công trình, họ bán luôn theo giá thị trường tất cả các căn hộ trong chung cư mini với lợi nhuận thu được nhiều gấp bội so với số vốn đã bỏ ra, và để lại một phố đã nhỏ càng nhỏ hơn, một ngõ đã nhỏ càng nhỏ hơn, đến nỗi xe cứu hỏa không thể tiếp cận để dậplửa, cứu người khi hỏa hoạn xẩy ra như trường hợp chung cư mini ở Thanh Xuân.
Khối nhà nhiều căn hộ này được gọi là “chung cư mini” để phân biệt với loại chung cư do các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được cấp phép xây dựng theo qui hoạch, kế hoạch, chính sách của Nhà nước về loại kinh doanh này. Loại hình chung cư mini có sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với những gia đình có nhà ở trong các ngõ nhỏ, phố nhỏ.
Đó là sự thật về quá trình biến “nhà nhỏ trong ngõ nhỏ” thành nhà to hơn trong ngõ nhỏ hơn tại thành phố Hà Nội và nhiều thành phố khác trong quá trình Đô thị hóa mấy thập kỷ vừa qua.
Nghịch cảnh này xảy ra ở diện rộng, kéo dài, ai cũng thấy nhưng đều bỏ qua hoặc chấp nhận.
Chung cư mini, tắc đường kinh niên, ô nhiễm khói bụi và nước… có phải là kết quả tất yếu của đô thị hóa nhanh chóng với đầy tương phản của Hà Nội?
Càng tự hào bao nhiêu về những thành tựu đã được tạo ra từ các vị trí “mặt tiền” của Thủ đô trong những thập kỷ qua thì cũng ngậm ngùi bấy nhiêu trước sự xuống cấp tại khu vực “mặt hậu” của thành phố này.
Đường cao tốc đi qua Hà nội, đường vành đai 1, rồi 2, rồi 3, và đang 4 đi quanh Hà Nội; Đại lộ đi xuyên các phố phường với các cao ốc, khách sạn, nhà hàng, công viên, cây xanh, hồ nước xanh, hiện đại. Nhưng ngay sau Ga Hà Nội vẫn là hồ nước mang tên Văn Chương mà nước hồ xanh đen đặc quánh và khu dân cư với ngõ nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn được nữa.
Tại quận Hoàn Kiếm, các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Chiếu... với mặt tiền là những căn hộ được hiện đại hóa thành các nhà hàng sang trọng, hiện đại thì ngay sau các nhà hàng này là hàng loạt các ngõ nhỏ với bề rộng chỉ 1-2m kèm theo chồng đống các nhà hộp diêm.
Tại các quận vốn là ngoại thành Hà Nội xưa thì tình trạng làng trong phố đã không chỉ làm xuống cấp các giá thị được tôn vinh đối với làng cổ ngoại thành, mà còn làm nhem nhuốc hình ảnh trong mơ của đô thị hóa Hà Nội thời hiện đại. Sự thật này đang hiện diện tại các làng xưa của quận Ba Đình, quận Hai Bà, quận Đống Đa, và ngay cả các quận mới như Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông...
Nhiều năm qua, Hà Nội đã có qui hoạch, kế hoạch “dãn dân phố cổ”, nhưng không có qui hoạch, kế hoạch “dãn nhà phố cổ”. Sự khập khiễng này đã tự nó làm phá sản những kỳ vọng về dãn dân phố cổ.
“Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” nếu được đồng bộ hóa trong một qui hoạch, kế hoạch di rời thì tại sao không làm, mà chỉ nhăm nhăm làm di rời dân, nếu không thất bại mới là ngạc nhiên.
Xưa kia, tiền nhân đã thành công khi đưa làng nghề vào đô thị để tạo ra 36 phố hàng nổi tiếng, thì tại sao hậu thế lại không tiếp tục tạo ra những phố hàng hiện đại mới bằng cách di chuyển các phố hàng cũ sang các phố hàng mới tại không gian mới của một đô thị mới.
Quận Hoàn Kiếm đang có một cơ hội nghìn năm có một để thực hiện việc này khi Nhà nước có chủ trương sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Sau sự sáp nhập này, tại không gian được mở rộng sẽ xuất hiện “36 phố hàng hiện đại” theo một qui hoạch, kế hoạch đồng bộ có tên “dãn dân/ nhà/ ngõ/phố cổ”.
Song song với việc đồng bộ này là việc thực hiện hiện đại hóa mặt hậu của khu phố cổ quận Hoàn Kiếm. Đô thị hóa thủ đô Hà Nội với sự đồng bộ hóa cả mặt tiền và mặt hậu của tất cả các quận trong sự phù hợp với những đặc điểm của từng quận, đó vừa là nhiệm vụ, vừa là quyền hạn và trách nhiệm của quản lý nhà nước các cấp từ trung ương đến thành phố, quận, phường. Về phương diện này, thì “mỗi chúng ta dường như đều có lỗi” quả là không oan một tý nào.
Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó, tôi không đi đâu hết bởi nhiều điều. Trước tiên là “tiền đâu” để mua được một căn hộ cao cấp bạc tỷ, trong khi tôi chỉ có đủ tiền để mua một căn hộ xã hội, nhưng xếp hàng mãi vẫn chưa đến lượt.
Phát triển thì nhanh, dân cư thì đông nhưng chỉ một hai năm trước đây, Nhà nước mới đưa ra kế hoạch xây dựng 1 triệu căn hộ xã hội, và tới nay còn chưa được khởi công suôn sẻ.
Trên thực tế, một số khu nhà xã hội cũng đã được xây dựng tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội nhưng được dùng để khuyến khích tái định cư, giải phóng mặt bằng đối với các khu đất kim cương trong nội thành.
Dù được hưởng chính sách ưu đãi, nhưng tôi cũng không chuyển cư đến đó, bởi con tôi sẽ học ở đâu, mẹ tôi sẽ khám chữa bệnh ở đâu, vợ tôi sẽ đi chợ ở đâu?
Gần đây, không còn lựa chọn nào khác tối ưu hơn, tôi và nhiều hộ khác đã bán nhà và đất của mình cho một doanh nhân để họ xây dựng một chung cư mi ni hiện đại, và đặt mua luôn một căn hộ trong đó ngay từ đầu.
Và giờ thì tôi và nhiều người khác cứ ám ảnh khôn nguôi về cháy nổ sau tai họa vừa xẩy ra.
Giá như mọi người, trong đó có tôi, đều không có lỗi với Hà Nội. Ôi, những ký ức đẹp đẽ, nên thơ của thời “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” chắc đã chìm vào xa xôi.
Đinh Đức Sinh