Trump Southeast Asia Summit Nov 11 2018 (1).jpg
Hình minh hoạ: Nikkei Asia

Phần 1: Tổng thống Trump và sự trở lại của chính trị bộ lạc

Có thể nói, điểm khởi đầu quan trọng để hiểu những biến động trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nằm ở cách Tổng thống Trump nhìn nhận vai trò của nước Mỹ và quan hệ của Washington với thế giới. Trong suốt nhiều năm, giới hoạch định chính sách truyền thống đã xem toàn cầu hóa như một xu thế tất yếu, đi kèm với những khái niệm quen thuộc như "an ninh tập thể". Đối với họ, sự gắn kết giữa Mỹ và các đồng minh thông qua các thể chế đa phương được coi là cách thức hiệu quả nhất để duy trì ổn định quốc tế.

Thế nhưng, những giá trị này không còn thu hút được một bộ phận không nhỏ công chúng, nhất là những người không thuộc tầng lớp có ảnh hưởng lớn tại các đô thị lớn dọc bờ Đông nước Mỹ (New York, Washington, Boston...). Bởi lẽ, họ cho rằng chính “chủ nghĩa quốc tế tự do” đã đẩy người lao động Mỹ vào thế bất lợi, khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển ra nước ngoài còn việc làm trong nước ngày càng bấp bênh.

Donald Trump, bất chấp hoàn cảnh được sinh ra trong tầng lớp thượng lưu, đã trở thành biểu tượng của một phong trào đề cao lợi ích của tầng lớp lao động Mỹ, đối lập với tầng lớp “tinh hoa” mà họ cho là đã lãng quên quyền lợi của người dân. Không dừng lại ở việc chỉ trích toàn cầu hóa, ông Trump cũng xoáy sâu vào những điểm yếu của hệ thống an ninh chung: các liên minh hiện hữu bị coi là thiếu quyết đoán, không đủ khả năng bảo vệ biên giới lẫn lợi ích cốt lõi của nước Mỹ. Theo ông Trump, cách tiếp cận cũ – dựa trên tầm nhìn hậu Thế chiến II – đã không còn phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực ngày càng phức tạp.

Đáng chú ý, chính công chúng tại những tiểu bang từng là "công xưởng" của nước Mỹ lại là những người ủng hộ quan điểm này nhiều nhất, bởi họ đã mệt mỏi với những lời hứa viển vông về vai trò “dẫn dắt thế giới.” Thực tế, phần đông cử tri ủng hộ đường lối này không quan tâm tới việc truyền bá các giá trị “dân chủ” hay “nhân quyền” của Mỹ; thay vào đó, họ kỳ vọng nhìn thấy những lợi ích cụ thể: việc làm ổn định hơn, thuế thấp hơn, và an ninh được đảm bảo.

Đây chính là nền tảng lý giải cho xu hướng ngoại giao mang đậm tính "bộ lạc" và dân tuý của Donald Trump, và sự phân định rạch ròi bạn - thù: ưu tiên tuyệt đối lợi ích Mỹ, xem các đối tác như những bên phải “đóng góp” tương xứng, còn những bên không cùng chí hướng hoặc cạnh tranh trực tiếp thì phải bị đặt ra ngoài vòng ảnh hưởng. Chính tư duy này đang định hình lại bối cảnh địa chính trị thế giới, trong đó có Châu Á – Thái Bình Dương.

1 img_9526.jpg
Ông Trump vận động tranh cử tại Michigan, một trong những bang "công xưởng" hàng đầu của Mỹ vào giữa thế kỷ 20. Ảnh: Bridge Michigan

Lý giải sự thay đổi của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ

Mặc dù có thể bị nhiều nhà quan sát đánh giá là quá cực đoan, quan điểm chính trị bộ lạc của ông Trump phần nào đó thừa nhận rằng bối cảnh lịch sử quyết định tính hiệu quả của chính sách. Chiến lược ngoại giao Mỹ trong thời kỳ hậu Thế chiến II – được ca ngợi với những nhân vật như Harry Truman, Dean Acheson và George Kennan – đã mang lại những thành tựu đáng kể, chẳng hạn như việc Mỹ giành ưu thế trong Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng, đối với ông Trump, chiến lược này bắt nguồn từ một thế giới lưỡng cực, và vì vậy, không còn phù hợp với thực tế đa cực ngày nay khi Mỹ không còn nắm vị thế bá quyền nữa.

Ông bác bỏ quan điểm cho rằng nên tiếp tục mở rộng các khuôn khổ đa phương sinh ra từ sau Thế chiến II, khi Mỹ đang dẫn dắt trật tự quốc tế. Thay vào đó, dường như Trump đang ủng hộ một cách tiếp cận linh hoạt hơn, không phụ thuộc vào tâm lý cũ, và thử các biện pháp mới, cấp tiến, chẳng hạn như các biện pháp thuế quan, để đưa nước Mỹ “trở lại” vị thế trước đây.

Đối với ông Trump, chủ nghĩa quốc tế tự do, vốn là nền tảng cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ, đã cho thấy những dấu hiệu suy giảm hiệu quả. Những hệ lụy của nó – các cuộc xung đột kéo dài ở những vùng đất khó áp dụng mô hình dân chủ phương Tây, sự suy giảm thịnh vượng nói chung trong nước và sự xói mòn của ảnh hưởng Mỹ trên trường quốc tế – đã gây ra gánh nặng lớn đối với Hoa Kỳ, trong khi các cường quốc mới thì lại đang khai thác chính hệ thống Mỹ đang gánh nặng để tìm cách “vượt mặt” Mỹ. Vì vậy, có lẽ mục tiêu của chính quyền Trump không phải là xoá bỏ hoàn toàn trật tự này, vì dù gì, Mỹ vẫn nằm ở chính giữa của hệ thống hiện nay. Thay vì đó, ông Trump muốn điều chỉnh nó để Mỹ có thể hưởng lợi mà không phải chịu toàn bộ gánh nặng.

Những động thái trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump thể hiện rõ lập trường này: rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đàm phán lại NAFTA (nay là USMCA),… Điều này báo hiệu sự chuyển dịch từ các cam kết đa phương sang các thỏa thuận song phương, cho phép dễ dàng ưu tiên lợi ích quốc gia hơn.. Bước sang nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, sự điều chỉnh này càng rõ hơn khi Mỹ áp thuế quan 25% đối với các đồng minh Đại Tây Dương truyền thống là Canada & EU, và gây sức ép lên các đồng minh NATO để kết thúc xung đột Ukraine được cho đang làm tiêu hao nguồn lực của Mỹ vào một mục đích không chính đáng. 

Điều này tạo điều kiện để tập trung nguồn lực đối phó với những hành vi bị chính giới Mỹ coi là không công bằng của các cường quốc mới nổi – đặc biệt là Trung Quốc. Cả nhóm ủng hộ Trump và giới tinh hoa chính trị Mỹ đều cáo buộc Trung Quốc là đã lợi dụng trật tự tự do, trong khi làm suy yếu nó thông qua các chính sách kinh tế bị xem là theo chủ nghĩa trọng thương. Tuy nhiên, chiến lược ngoại giao bộ lạc của Trump không chỉ giới hạn ở khía cạnh kinh tế, hay trong việc tái định hình các thỏa thuận thương mại; nó còn thể hiện qua cách tiếp cận mang tính chọn lọc với các đối tác ngoại giao và quân sự.

Thay vì nhấn mạnh các giá trị phổ quát như "dân chủ" hay "nhân quyền" – những trụ cột truyền thống của trật tự thế giới do Hoa Kỳ dẫn dắt sau Thế chiến II – chính quyền Trump đề cao nguyên tắc "có đi có lại" (reciprocity) cũng như phân biệt giữa bạn và thù. Quan điểm này ủng hộ việc xây dựng quan hệ gần gũi với các quốc gia sẵn sàng thỏa hiệp hoặc ủng hộ lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ, đồng thời sẵn sàng cắt đứt quan hệ hoặc gây sức ép lên những quốc gia bị coi là "thách thức" hay "không công bằng" với nước Mỹ cho dù có phải là đồng minh hay không.

Thái độ hoài nghi của chính quyền Trump đối với các liên minh đa phương cũng phản ánh tâm lý chung của một bộ phận đáng kể cử tri Mỹ, vốn đã mệt mỏi với những can thiệp quân sự kéo dài ở Trung Đông, trong khi lại phải chứng kiến ngành công nghiệp chế tạo trong nước suy yếu trước sự cạnh tranh từ nước ngoài. Như Amy Chua chỉ ra, khi lợi ích kinh tế và an ninh của một nhóm người bị xói mòn, mong muốn bảo vệ bản sắc cũng như lợi thế của nhóm càng trở nên mạnh mẽ. Đây là cơ sở khiến khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" nhận được sự ủng hộ, bởi nó hứa hẹn sẽ đặt sự phồn vinh của người dân Mỹ lên trên những cam kết quốc tế tốn kém và khó lường.

67b2a4fca310c240e240c6d6.jpg
Phát biểu gây sốc của Phó Tổng thống Mỹ Vance tại Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: China Daily

Thương mại mang tính "bộ lạc"?

Quan sát những biến chuyển này, một số nhà phân tích coi những diễn biến hiện nay là sự "giải trừ ảnh hưởng đế quốc" (de-imperialization) trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump: từ chỗ đóng vai "cảnh sát toàn cầu," duy trì trật tự chung, nước Mỹ dần thu hẹp phạm vi can dự, tập trung vào những mục tiêu song phương hữu hình, cụ thể hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là một hình thái khác của "chủ nghĩa đế quốc mới," khi Hoa Kỳ vẫn dựa trên sức mạnh kinh tế – quân sự vượt trội để buộc các nước khác chấp nhận các thỏa thuận có lợi cho mình, chỉ khác là cách thức thể hiện nay ít "dựa trên lý tưởng" mà thiên về "tính giao dịch" hơn. Dù nhìn nhận theo cách nào, cách tiếp cận ngoại giao này vẫn xoay quanh nguyên tắc cốt lõi: ai ở trong nhóm "chúng ta" thì cùng hưởng lợi theo những hình thức rõ ràng: tiền bạc, hiệp định, hỗ trợ an ninh nhưng với điều kiện phải chia sẻ các nghĩa vụ. Ai ở ngoài thì cần ngăn chặn hoặc phải bị trừng phạt để bảo vệ vị thế của Mỹ.

Vì vậy, trên trường quốc tế, ngoại giao bộ lạc của Mỹ sẽ được thể hiện ở hai chiều hướng. Thứ nhất, chính quyền Trump sẵn sàng xung đột trực tiếp và gay gắt hơn với các đối thủ chiến lược. Và khi nói đến đối thủ chiến lược, trong con mắt của Trump chỉ có duy nhất là Trung Quốc, chứ không phải Nga, là cường quốc đang đe doạ sự thống trị của Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu, quan hệ Mỹ – Trung xuống dốc nhanh chóng trong bối cảnh một cuộc “chiến tranh thương mại” được kích hoạt bằng hàng loạt gói thuế quan trả đũa lẫn nhau. Cuộc cạnh tranh công nghệ được Trump phát động và Biden tiếp tục, điển hình nhất là trong các biện pháp hạn chế công nghệ bán dẫn tiên tiến, sẽ trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Thứ hai, với các nước được xem là “đồng minh", chính quyền Trump sẽ áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn và mang tính giao dịch hơn, yêu cầu họ chứng minh lòng trung thành và chia sẻ gánh nặng nhiều hơn.

Ví dụ rõ ràng nhất cho thấy điều này chính là các biện pháp thuế quan được chính quyền Trump triển khai vào ngày 4/3/2025, khi Mỹ áp đặt mức thuế 25% lên hàng hóa từ Canada và Mexico, đồng thời tăng thuế lên 20% đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Những động thái này không chỉ nhắm vào việc bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, mà còn khẳng định nguyên tắc “bộ lạc” trong cách tiếp cận ngoại giao của Trump: các quốc gia muốn hưởng lợi từ quan hệ với Mỹ phải chứng minh khả năng đóng góp tốt nhất có thể cho lợi ích Mỹ, hoặc chịu hậu quả. Với Canada và Mexico – hai đồng minh truyền thống trong khối Đại Tây Dương – việc áp thuế này đánh dấu sự sẵn sàng của Trump trong việc phá vỡ các chuẩn mực thương mại tự do đã được thiết lập, ngay cả với những đồng minh gần gũi nhất, để ưu tiên cái mà ông coi là "lợi ích bộ lạc" của Hoa Kỳ. 

Tương tự, với Trung Quốc, đối thủ chiến lược duy nhất trong tầm nhìn của Trump, ông không chỉ tăng mức thuế quan, mà còn loại bỏ quy định miễn thuế “de minimis” (áp dụng cho các mặt hàng có giá trị thấp như được bán trên Temu hay Shein). Đáng lưu ý là từ lâu nay quy định miễn thuế de minimis của Mỹ thuộc loại dễ dãi nhất thế giới, cho phép các mặt hàng có giá trị lên tới 800 USD được miễn thuế, trong khi mức của EU chỉ là 150 EUR. Chắc chắn điều này được Trump thấy là không công bằng với các nhà sản xuất nội địa của Mỹ, khi phải cạnh tranh với hàng hoá giá rẻ từ Trung Quốc.

https___cms image bucket production ap northeast 1 a7d2.s3.ap northeast 1.amazonaws.com_images_2_2_4_0_48670422 1 eng GB_KKR67106.avif
Cảng Singapore, trung tâm trung chuyển hàng hoá lớn nhất thế giới. Ảnh: Nikkei Asia

Tác động với Đông Nam Á và Việt Nam

Tổng thống Donald Trump có thể đang tập trung vào châu Âu và Ukraine lúc này, nhưng không có gì phải nghi ngờ rằng châu Á – Thái Bình Dương sẽ sớm trở thành trọng tâm tiếp theo trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tại khu vực này, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ là yếu tố chính định hình chiến lược của ông Trump. Tuy nhiên, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ không thể tránh khỏi những tác động từ sự điều chỉnh chiến lược mang tính “bộ lạc” của Hoa Kỳ.

Ba yếu tố chính sẽ quyết định cách Hoa Kỳ tiếp cận Đông Nam Á: các biện pháp thuế quan mang tính "có đi có lại", cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và các hạn chế công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Tất cả những yếu tố này đều có thể đặt ra những thách thức lớn cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Nhiều nhà quan sát dự báo rằng, trong nhiệm kỳ hai, ông Trump sẽ nhìn nhận Đông Nam Á dưới góc độ của cuộc cạnh tranh Mỹ–Trung, hơn là chủ trương gắn kết đa phương thực chất. Điều này phản ánh tư duy “nếu không thuộc về bộ lạc của tôi, thì mặc nhiên bạn nằm ngoài”. Việc Hoa Kỳ “không còn sẵn sàng gánh vác trật tự toàn cầu,” theo nhận định của nguyên Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, có thể khiến ASEAN rơi vào thế bị động: thiếu các kênh hợp tác kinh tế - thương mại mới với Mỹ, đồng thời đối diện nguy cơ xung đột leo thang do cạnh tranh giữa các siêu cường.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã bỏ qua nhiều hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á. Từ góc nhìn của Đông Nam Á, việc thiếu vắng sự hiện diện cấp cao của Hoa Kỳ tại các diễn đàn khu vực sẽ được coi là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm cam kết của Mỹ. Điều này khiến không ít quốc gia cảm thấy bất an, đặc biệt là các quốc gia có quan hệ gần gũi với Mỹ như Philippines, Thái Lan và Singapore.

Các quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã duy trì chiến lược "giữ thăng bằng" giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, với Trump, quan điểm “ngoại giao bộ lạc” có thể đe doạ chiến lược này. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ cho các nước ASEAN. Họ có thể phải chứng minh rõ ràng lợi ích "có qua có lại" với Mỹ hoặc đối mặt với nguy cơ bị áp các biện pháp thuế quan trừng phạt. Đây không phải là một viễn cảnh xa lạ: nhiều quan chức trong chính quyền Trump đã ủng hộ ý tưởng tách rời chuỗi cung ứng sâu hơn khỏi Trung Quốc (decoupling), tạo ra sức ép buộc các đối tác châu Á phải lựa chọn theo quỹ đạo của Washington. Chính vì vậy, nếu ông Trump đòi hỏi các quốc gia ASEAN phải công khai ủng hộ Washington, điều này rất dễ đẩy các nước vào thế khó xử, làm gia tăng nguy cơ chia rẽ nội bộ ASEAN.

Mối đe dọa lớn nhất về kinh tế đối với Đông Nam Á dưới nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ nằm trong nguy cơ bị áp đặt các biện pháp thuế quan và xu hướng bảo hộ mậu dịch. Ông Trump đã có đề xuất áp thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ mọi quốc gia, và 60% với hàng hóa Trung Quốc. Dù mức thuế suất 20% hiện nay có vẻ "nhẹ" hơn so với lời đe dọa ban đầu, nhưng những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, như Việt Nam hoặc Thái Lan, vẫn đứng trước nguy cơ bị xem xét kỹ lưỡng. Nếu xảy ra chiến tranh thương mại diện rộng hơn, Đông Nam Á sẽ gặp phải nguy cơ lớn do toàn bộ chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Đặc biệt, việc Mỹ đẩy mạnh các biện pháp hạn chế công nghệ với Trung Quốc (từ chip bán dẫn đến trí tuệ nhân tạo - AI) sẽ có tác động dây chuyền sang ASEAN, nơi rất nhiều nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính quyền Trump có thể mở rộng cơ chế kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn việc “chuyển giao công nghệ” gián tiếp cho Trung Quốc, đặt các nước như Singapore, Malaysia, Philippines hay Việt Nam vào diện theo dõi gắt gao hơn. Trong bối cảnh đó, những nhà sản xuất có cơ sở tại Đông Nam Á sẽ đối mặt với yêu cầu phải tìm cách “chứng minh” rằng họ không sử dụng công nghệ hoặc linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc để tránh các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.

Ngoài ra, với cách tiếp cận ngoại giao đặt nặng tính thực dụng và "có qua có lại", chắc chắn sẽ có những đòi hỏi tương xứng từ phía chính quyền ông Trump. Vì vậy, quốc gia có hiệp ước đồng minh với Mỹ như Philippines có thể được ưu tiên hơn vì lập trường thân cận với Washington cùng với vị trí chiến lược trong khu vực. Việc Mỹ tăng cường đầu tư quốc phòng tại Philippines, hay thương vụ mua lại xưởng đóng tàu Subic Bay của quỹ Cerberus, cho thấy Washington sẵn sàng củng cố hiện diện quân sự trong khu vực. Trong khi đó, Indonesia, nước có trữ lượng khoáng sản quan trọng phục vụ cho ngành công nghệ xanh, và Singapore, trung tâm tài chính - đầu tư, chắc chắn sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược “hợp tác có chọn lọc” với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Còn với Việt Nam, quan hệ song phương với Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau khi nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Mỹ thông qua việc tăng cường mua thêm hàng hóa, dịch vụ, hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Mỹ.

Việc Vietnam Airlines giữ vững cam kết mua 50 máy bay Boeing theo thỏa thuận đã ký năm 2023, cùng với thỏa thuận mua 200 máy bay Boeing gần đây của VietJet, và việc xem xét nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, không chỉ giúp giảm bớt áp lực thương mại mà còn mang lại những lợi ích chiến lược trong quan hệ song phương.

Thêm vào đó, các cuộc gặp gần đây của các nhà lãnh đạo Việt Nam với các doanh nghiệp ASEAN và doanh nghiệp Hàn Quốc cho thấy Việt Nam đang theo đuổi một chiến lược ngoại giao kinh tế đa dạng hóa, nhằm giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia.

44cc6cde7da24f70b128424ca5a7aba9.webp
Tổng thống Trump đến thăm chính thức Việt Nam năm 2017. Ảnh: Zing.

Đối mặt với tương lai bất định

Ngoại giao bộ lạc của Tổng thống Trump có thể được xem là một lời nhắc nhở rằng trật tự thế giới tự do – vốn được coi là nền tảng cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ sau Thế chiến II – đang đứng trước những yêu cầu tái cấu trúc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tư duy "Nước Mỹ trên hết" và thái độ hoài nghi với các thể chế đa phương cho thấy Washington sẵn sàng thách thức những quy tắc truyền thống nếu điều đó mang lại lợi ích kinh tế hoặc địa chính trị cụ thể cho Hoa Kỳ.

Ở Đông Nam Á, một số quốc gia đang đứng trước một tình thế khó khăn: hoặc tìm cách điều chỉnh chính sách, sẵn sàng "chọn bên" trong các vấn đề nhạy cảm để tránh các biện pháp trừng phạt thương mại – công nghệ từ Mỹ, hoặc tiếp tục nỗ lực cân bằng, duy trì khoảng cách an toàn với các cường quốc. Đây là một bài toán hóc búa, bởi việc "giữ thăng bằng" luôn tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng sự nghi kỵ từ cả hai phía. Tuy nhiên, thái độ sẵn sàng đối thoại, kết hợp với các sáng kiến kinh tế – công nghệ có lẽ sẽ là giải pháp tốt nhất để Đông Nam Á duy trì sự độc lập và ổn định trong những năm tới.