Sau những trận mưa kéo dài, đầu tháng 7, cơ quan chức năng huyện Lâm Hà phát hiện sườn đồi thi công hồ chứa nước Đông Thanh có nhiều vết nứt rộng 20-30 cm ngang qua đất vườn và 3 hộ dân. Gần đây, nhiều vết nứt mới rộng khoảng 50 cm liên tiếp xuất hiện, rồi lan ra khu vực đường dân sinh cạnh dự án.
Dọc theo khu vực có hiện tượng sụt lún, nứt nẻ, hư hỏng, 9 ngôi nhà và nhiều hecta đất sản xuất của các hộ dân bị ảnh hưởng.
Trong đó, ngôi nhà ông Nguyễn Văn Thắng xây dựng hết 3,5 tỷ đồng bị sụt lún đến 1,5 m từ sân xuống tới nền bê tông.
Hiện ông phải chuyển đến nơi khác cách đó khoảng 3 km để sinh sống tạm bợ.
Sáng 8/8, đại diện Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đến hiện trường khảo sát thực trạng, nghiên cứu tìm giải pháp xử lý sự cố. Nhiều ý kiến cho rằng sự sụt lún tại đây không hoàn toàn do mưa lớn mà địa chất khu vực này có một cung sạt trượt. Khi dự án thi công, cung sạt trượt này diễn ra nhanh hơn bình thường.
Dự án hồ chứa nước Đông Thanh có tổng mức đầu tư hơn 494 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 1/2022, dung tích hơn 3 triệu m3. Sau khi hoàn thành công trình này sẽ cấp nước tưới cho 700 ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân.
Công trình được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống của người dân.
Ghi nhận của ngành chức năng địa phương, tình hình sạt lở tại khu vực này diễn biến phức tạp khi một số vệt nứt càng ngày càng lộ rõ.
"Khi nhận thấy tình trạng sụt lún này tôi thấy rất lo lắng. Mong ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục", chị Nguyễn Thị Nhung nói.
"Hàng ngày đi qua con đường bao quanh dự án hồ chứa nước, tôi cảm thấy rất lo lắng vì những vệt sạt lở còn rất mới. Việc này cần được xử lý để đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân", một người dân địa phương e ngại.
Ông Sáu (giữa) và nhóm thợ thi công dự án hồ chứa nước Đông Thanh ngừng làm việc đã được khoảng 1 tháng và bám trụ lại một căn nhà thuê gần công trường. "Chúng tôi hiện không có việc làm, rất mong dự án sớm tái khởi động trở lại trong thời gian tới", ông nói.
UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các bên liên quan đắp trả các hố đào sâu, khoan 15 mũi thăm dò, tạo độ dốc thoát nước về phía hạ lưu, tăng cường ổn định chân mái các khu vực đào đất. Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan, ngành chức năng địa phương trao đổi thêm với các chuyên gia, nhà khoa học để tìm giải pháp xử lý sự cố.