XEM CLIP:
Hiện trường sạt trượt khu vực dự án hồ chứa nước đang thi công ở Lâm Đồng
Ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đoàn công tác, các chuyên gia địa chất cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà.
Đoàn gặp và trao đổi với một số người dân sống gần khu vực hồ chứa nước bị ảnh hưởng (nứt tường nhà, sụt lún), phải di tản tới nơi an toàn.
Dự án hồ chứa nước Đông Thanh đang được triển khai thi công có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, lòng hồ rộng hơn 25ha. Khi hoàn thành, hồ sẽ phục vụ nước cho 700ha đất nông nghiệp và 7.500 hộ dân trên địa bàn.
Gần đây, sau những ngày mưa, quanh khu vực dự án hồ chứa nước xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở. Sườn đồi sát khu vực thi công cũng xuất hiện nhiều vết nứt rộng 20-30cm. Các vết nứt kéo dài qua vườn và nhà của nhiều người dân.
Ông Nguyễn Văn Thắng (xã Đông Thanh) cho biết, gia đình xây dựng nhà hết khoảng 3,5 tỷ đồng để ổn định cuộc sống sau khi giao đất cho dự án hồ chứa nước. Hôm 20/7, cả khu đất bị kéo xuống khiến căn nhà bị nứt tường, buộc gia đình ông và hàng xóm phải rời đi để đảm bảo an toàn.
Khi công trình thi công, nhà ông Thắng tiếp tục bị ảnh hưởng, sụt lún. Gia đình ông Thắng phải đến nơi khác cách nhà 3m để ở tạm. Vì thế, ông mong muốn được chính quyền hỗ trợ nơi ở và sớm khắc phục hiện trạng sụt lún như hiện nay.
Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà, sau những trận mưa kéo dài, đầu tháng 7, địa phương này phát hiện sườn đồi thi công hồ chứa nước Đông Thanh có nhiều vết nứt rộng 20-30cm, chạy ngang qua đất vườn và nhà của 3 hộ dân.
Sau đó, khu vực này có thêm nhiều vết nứt, có chỗ rộng khoảng 50cm, rồi lan ra tới khu vực đường dân sinh cạnh dự án. Dọc theo các vết nứt có hiện tượng sụt lún. Tổng cộng có 9 hộ dân bị ảnh hưởng nhà cửa và đất sản xuất với hơn 5ha.
Huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các bên liên quan thực hiện đắp trả các hố đào sâu, khoan 15 mũi thăm dò, tạo độ dốc thoát nước về phía hạ lưu, tăng cường ổn định chân mái các khu vực đào đất, taluy, chống thấm khu vực các vết nứt.
Tuy nhiên, các giải pháp trên không ngăn được các vết nứt, tình hình sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, nên địa phương này kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ, hướng dẫn khảo sát hiện trường, xử lý sự cố.
Sau khi khảo sát thực tế và nghe báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, nguyên nhân chính sụt lún ở khu vực này không phải do mưa, lượng mưa tháng qua của khu vực này khoảng 200mm nên không thể là nói quá lớn.
Ngoài ra, địa chất khu vực này có một cung sạt trượt; bên hồ chứa nước đang thi công có một số vết trượt trên núi đã hình thành từ lâu. Khi dự án thi công cùng với nhiều nguyên nhân khác tác động đã khiến cung sạt trượt này diễn ra nhanh hơn, gây thiệt hại về công trình và tài sản của người dân.
Tại hiện trường, địa phương đang có 15 mũi khoan. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị bố trí thêm một số mũi khoan nữa để xác định rõ nguyên nhân, vị trí, từ đó có giải pháp xử lý.
Tước mắt, tỉnh Lâm Đồng phải có biện pháp làm cho các cung trượt đất này chậm lại và dừng trượt. Việc đầu tiên là xử lý hệ thống thoát nước mặt và ngầm để nước không tác động vào cung trượt này nữa.