Gạo là lương thực chủ yếu của 3,5 tỷ người trên thế giới và đã trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ ăn hằng ngày của người dân nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam.
Tác dụng của ngừng ăn cơm
Chuyên gia Kristen Smith, người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, nhận định: "Bất kỳ loại gạo nào cũng giàu carbohydrate - nguồn nhiên liệu chính của cơ thể".
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều cơm không có lợi cho sức khỏe do chứa nhiều tinh bột và thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định. Theo Indian Express, ăn gạo trắng có những nhược điểm như làm tăng đột biến lượng đường trong máu, dẫn tới nguy cơ tăng cân, mắc bệnh tiểu đường loại 2. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gạo trắng cũng có thể hấp thụ asen, một chất gây ung thư. Bởi vậy, khi nấu cơm, bạn nên vo gạo kỹ.
Priya Parma, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Viện Y tế Hành động Sri Balaji (Ấn Độ), thông tin, kiêng cơm trong một tháng có thể giúp giảm cân và ổn định lượng đường trong máu. Khoảng 200g cơm chứa tới 200 calo.
Chuyên gia dinh dưỡng Ria Desai, Bệnh viện Wockhardt (Ấn Độ), giải thích việc ngừng ăn cơm hoàn toàn trong một tháng có thể dẫn đến giảm cân với điều kiện không được thay thế bằng các loại ngũ cốc khác và phải hạn chế tổng lượng carbohydrate.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, lượng đường trong máu chỉ giảm trong thời gian kiêng cơm. Khi bạn bắt đầu ăn cơm trở lại, nồng độ đường glucose sẽ bắt đầu thay đổi. Dù vậy, việc ăn một bát cơm nhỏ mỗi bữa không gây hại cho cơ thể.
Suy nhược cơ
Các chuyên gia thường khuyến nghị chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Việc loại bỏ cơm khỏi thực đơn có thể là tạm thời để giảm lượng carbohydrate hấp thụ.
Theo chuyên gia Parma, cơm chứa carbohydrate rất cần thiết cho việc sản xuất năng lượng. Không hấp thụ carbohydrate có thể khiến một người yếu đi vì khi đó cơ thể sử dụng protein bằng cách phá vỡ cơ bắp để tạo ra năng lượng, dẫn đến thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Khi đó, bạn giảm cân do mất cơ bắp chứ không phải do đốt cháy mỡ, đây là điều nên tránh.
Bởi vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên ăn hạn chế gạo trắng và thay thế bằng gạo lứt. Đây là loại gạo chất lượng hàng đầu do chứa nhiều vitamin B, kẽm và magie, nhiều chất xơ, giúp ổn định lượng đường trong máu, nuôi dưỡng lợi khuẩn trong đường tiêu hóa.
Ngoài ra, bạn có thể thêm chất xơ vào bữa cơm dưới dạng rau, hạt. Khi nấu cơm trộn với một số loại ngũ cốc sẽ tạo ra protein giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn.