Ông T. (51 tuổi, trú tại Văn Giang, Hưng Yên) tìm đến Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội để đăng ký giám định huyết thống cha con. Người đàn ông này đưa ra 3 mẫu tóc khác nhau, đánh dấu tên các con: Hà - Trung - Anh. Mẫu máu của ông T. do nhân viên trung tâm lấy trực tiếp.
Kết quả cho thấy cậu con trai tên Hà và ông không cùng huyết thống. Hai người còn lại là con ruột của ông (chẩn đoán chính xác 99,999%).
Hôm sau, ông T. mang một mẫu móng tay đến, đánh dấu tên Trung. Kết quả ghi nhận hai mẫu không cùng huyết thống dù theo mẫu xét nghiệm lần 1, hai người là cha - con. Tuy nhiên, ông T. không thắc mắc và im lặng ra về trước sự khó hiểu của các giám định viên ở trung tâm.
Hai ngày sau, ông T. cùng một người phụ nữ và đứa trẻ khoảng 13-14 tuổi tới trung tâm. Ông yêu cầu lấy mẫu máu của hai cha con, có sự chứng kiến của người mẹ. Ông đặt xét nghiệm chậm và hẹn lấy kết quả trực tiếp.
Lần này, hai mẫu xét nghiệm vẫn không cùng huyết thống. Người đàn ông vẫn im lặng đón nhận sự khác biệt như hai lần trước đó.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội, cho biết khi thấy kết quả lần thứ nhất và thứ 2 không trùng nhau, bà đã hỏi ông về câu chuyện phía sau.
Như cởi bỏ được nỗi niềm, người đàn ông bộc bạch kể lại câu chuyện của mình.
36 tuổi, ông T. kết hôn qua bạn bè mai mối. Dù biết vợ còn yêu tha thiết người cũ nhưng chồng vẫn tin rằng về sống với nhau, sẽ phát sinh tình cảm. Gần 15 năm hôn nhân, cuộc sống của họ khá yên ấm với sự ra đời của 3 cậu con trai. Ông T. từng tự hào về hạnh phúc gia đình của mình.
Khoảng nửa năm nay, ông phát hiện vợ liên lạc với người tình cũ và bắt gặp họ đi khách sạn. Người vợ cũng thừa nhận chưa quên người đàn ông kia nên họ đã đi lại với nhau 2 năm gần đây.
Bị phản bội, ông vô cùng đau lòng và nghi ngờ huyết thống của những đứa con. Đặc biệt, cậu con trai lớn không có nét nào giống bố. Ông đã tìm hiểu về xét nghiệm ADN trên mạng rất kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Mẫu xét nghiệm lần đầu cho thấy con lớn không phải con ruột, hai con nhỏ cùng huyết thống. Khi đưa bản xét nghiệm, vợ ông không tin nên ông đã đổi tên mẫu của cậu con cả tên Hà và xét nghiệm thêm.
Khi ra về, người đàn ông này chia sẻ ông đã tha thứ sai lầm trong quá khứ của vợ nhưng hiện tại không bỏ qua khi bị phản bội. Ông sẽ ly hôn và chọn nuôi 2 con ruột là Trung - Anh.
Tuy nhiên, ông bố này cũng lo lắng cho cậu con lớn. Khi biết sự thật mình không phải con ruột, cậu bé sẽ như thế nào. Ông còn hỏi thêm nhân viên tư vấn: “Nếu không phải con ruột khi ly hôn chắc chắn tòa không xử cho tôi nuôi hết cả ba đứa đúng không?”.
Bà Nga cho biết vị khách hàng này rất đặc biệt, ba lần nhận kết quả đều bình tĩnh, không hụt hẫng, tức giận. Chắc chắn, ông T. đã có sự chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng và biết trước được sự thật.
Ở góc độ chuyên môn, bà Nga chỉ khẳng định với khách hàng kết quả giám định có giá trị trước tòa nếu họ ly hôn. Điều quan trọng, cha mẹ nên ứng xử như thế nào để giảm tổn thương cho những đứa trẻ đang tuổi mới lớn khi biết sự thật về huyết thống của mình.
Xét nghiệm ADN là phân tích thông tin 23 cặp nhiễm sắc thể của hai hay nhiều người để xác định mối quan hệ di truyền. Những người có nghi ngờ trong cuộc sống gia đình sẽ tìm tới công nghệ này để giải đáp những thắc mắc của mình. Khi sự thật phơi bày không ít gia đình rơi vào bế tắc, đau khổ. Ngược lại, có trường hợp lấy lại được hạnh phúc của mình.