Thôn Đon Bây nằm ở phía Tây Nam của xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, có 4 dân tộc cùng sinh sống gồm Kinh, Tày, Nùng, Dao với 62 hộ. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.
Những năm qua, thôn đã thực hiện tốt công tác vận động nhân dân chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới, qua đó, góp phần nâng tỷ lệ đạt tiêu chí nông thôn mới của thôn lên 18/19 tiêu chí, đang tiếp tục phấn đấu sẽ hoàn thành tiêu chí thu nhập để về đích nông thôn mới trong năm 2023.
Từ tháng 11/2022 đến nay, nhân dân trong thôn đã hiến 3.000m2 đất mở được đường nội thôn; vận động các nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp bằng tiền được 83 triệu đồng, 265 ngày công lao động, xây dựng được 1 công trình cầu nội thôn và 1 công trình tu sửa sân chơi thể thao của thôn.
Xã Vi Hương có 9 thôn. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đại đa số nhân dân xã Vi Hương hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới và đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các nội dung công việc của địa phương.
Từ đầu năm đến nay, nhân dân trong xã cùng các nhà hảo tâm đã nhiệt tình đóng góp tiền, ngày công thực hiện các công trình công cộng. Ngoài thôn Đon Bây, nhân dân thôn Bó Lịn hiến 1.800 m2 đất để mở đường lâm nghiệp; thôn Nà Ít đóng góp được 35 triệu để mua đất làm nhà họp thôn...
Nhờ thực hiện "dân vận khéo" có hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Vi Hương đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Đến tháng 9/2023, tổng số tiêu chí nông thôn mới xã đã hoàn thành là 15/19 tiêu chí và đang nỗ lực hoàn thành tiếp các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo.
Không chỉ riêng xã Vi Hương, huyện Bạch Thông đang nỗ lực không ngừng phát triển quê hương, trên toàn tỉnh Bắc Kạn, nhiều địa phương khác đã và đang xây dựng nông thôn mới, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Ông Trần Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, cho hay xây dựng nông thôn mới chính là phục vụ người dân. Cộng đồng dân cư nông thôn vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, là đối tượng thụ hưởng khi xây dựng nông thôn mới.
Toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 46 xã đạt tiêu chí về giao thông; 75 xã đạt tiêu chí điện; 75 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Tỷ lệ đường liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hơn 83%; đường thôn, liên thôn cứng hóa được hơn 54%; có 92 trường học đạt chuẩn quốc gia; 31 nhà văn hóa xã và 460 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn...
Người dân đóng góp rất lớn vào thành quả này, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Sau hơn 10 năm triển khai chương trình Nông thôn mới, người dân trong tỉnh đã hiến hơn 479.600m2 đất; đóng góp bằng tiền mặt hơn 25 tỷ đồng; góp ngày công lao động và hiện vật hơn 215 tỷ đồng.
Toàn tỉnh có một đơn vị cấp huyện là thành phố Bắc Kạn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Tỉnh Bắc Kạn thực hiện xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp (chỉ đạt 2,98 tiêu chí/xã), đến nay số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 12,45 tiêu chí/xã; số tiêu chí nông thôn mới nâng cao đạt 7,8 tiêu chí/xã. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo bước đột phá, thúc đẩy nông nghiệp Bắc Kạn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Những nỗ lực trong chương trình mục tiêu quốc gia và các giải pháp tích cực, kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ giảm nghèo ước đạt 2,4%; tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo ước đạt 4,85%.