Theo UBND xã Kim Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, tính đến nay, diện tích trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn xã là 70,2 ha (cây cam 12 ha, bưởi 57,5 ha, vải 0,7 ha), trong đó có 32,2 ha cam, bưởi, vải đã cho thu hoạch. Năm 2023 ước tính thu nhập giá trị khoảng 5,1 tỷ đồng.

Để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, bảo đảm sức khoẻ, nhiều nông dân tại xã Kim Hoá đã dành thời gian học hỏi, tìm hiểu và thực hiện mô hình trồng cam, bưởi theo hướng hữu cơ. Từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch, vườn cam không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.

anh-1-1.jpg
Vườn bưởi hữu cơ trĩu quả của nông dân xã Kim Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. 

“Tôi mua phân chuồng của các hộ chăn nuôi trâu bò đưa về ủ, xử lý nấm, sau đó để hoai mục rồi bón cho cây; dùng bẫy để bắt côn trùng và bướm cũng như sử dụng bao để bọc quả, tránh được tình trạng bị ruồi chích, mưa axit… dẫn đến rụng quả”, anh Trương Quốc Việt, chủ vườn cam, bưởi ở thôn Kim Lũ 2 cho biết.

Sau 3 năm chăm sóc, vườn cây đã cho thu hoạch, quả mọng nước, thơm và có vị ngọt thanh. Khi cam vào vụ thu hoạch, anh Việt thuê người cắt trái hàng ngày, đóng thùng và chào hàng với tên “Cam, bưởi Kim Lũ”. Anh muốn dùng tên này để đặt cho sản phẩm với mong muốn khẳng định vị thế, định danh thương hiệu nông sản của quê hương. 

Dù bán với giá 30.000 đ/quả, cao hơn giá bưởi đại trà nhưng những quả bưởi có màu vàng đẹp, vị ngọt thanh đã được chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR nên người tiêu dùng tin tưởng và ngày càng nhiều thương lái đến tận vườn tìm mua.

anh 2 1.png
Mô hình trồng cây ăn quả có múi sử dụng công nghệ tưới Israel theo chuỗi liên kết giá trị vùng tại thôn Kim Lũ 2, xã Kim Hoá.

Thị trường tiêu dùng sản phẩm chủ yếu là người dân địa phương, khách hàng ngoài tỉnh thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook và các cửa hàng bán nông sản sạch trên địa bàn tỉnh…

Được biết, trước đây, sản xuất nông nghiệp theo hướng truyền thống thì người tiêu dùng hầu như không biết thông tin về quy trình sản xuất, nguồn gốc nông sản. Từ khi áp dụng chuyển đổi số, thông qua mã QRcode, cả quá trình chăm sóc nông sản từ khi ra bông, kết trái, cho tới thời điểm thu hoạch đều hiển hiện trước mắt nên đã tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, giá trị nông sản và thương hiệu cũng được nâng cao.

anh 3.png
Hứa hẹn mùa trái ngọt ở Kim Hoá. 
anh 4.png
Bà con dùng bao để bọc quả bưởi, tránh ruồi chích, mưa a xít. 
anh 5.jpg
Vườn bưởi được chứng nhận VietGAP cho năng suất, chất lượng cao. 
anh 6.png
Bưởi mới cắt tại vườn đã được thương lái đến mua. 
anh 7.jpg
Một vườn cam của nông dân xã Kim Hoá. 
anh 8.jpg
Niềm vui bên những cây cam trĩu quả.
anh 9.png
Dán tem điện tử cho từng quả bưởi. 
anh 10.jpg
Chỉ cần quét mã QR có thể truy xuất được nguồn gốc nông sản. 
anh 11.jpg
Cam sạch sau khi thu hoạch. 
anh 12.jpg
Tất bật đóng cam vào thùng để giao cho khách. 

Hoàng Hiệp, Văn Quý, và nhóm BTV