Mới đây, theo Bệnh viện đa khoa Huyện Mường Khương, Lào Cai, các bác sĩ tại đây đã cấp cứu nam bệnh nhân 44 tuổi, trú tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, bị ngộ độc củ ấu tàu. Bệnh nhân mua củ ấu tàu về đập dập và ninh với xương. Sau bữa ăn khoảng 3 tiếng, bệnh nhân có các biểu hiện vã mồ hôi, khó thở nên gia đình đưa ra trạm y tế xã cấp cứu.
Tháng 6/2023, một bệnh nhân nam 65 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, cũng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) sau khi ăn canh nấu 3-4 củ ấu tàu. Bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tê miệng, lưỡi, tay, chân, nóng rát vùng cổ, cảm giác loạn nhịp tim.
Theo bác sĩ Hoàng Sầm, Viện Y học Bản địa Việt Nam, nhiều loại cây rừng nhưng chỉ dùng ngâm rượu người dân không biết lấy về làm thực phẩm nấu ăn hoặc nấu nước uống dẫn tới ngộ độc.
Bác sĩ Sầm cho biết củ ấu tàu khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc và ghi nhận nhiều ca ngộ độc loại củ này. Củ ấu tàu có thành phần aconitin, độc tính rất cao, có thể gây tử vong chỉ với một hàm lượng rất nhỏ.
Hằng năm, các cơ sở y tế đều ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm do dùng các loại củ, quả không rõ nguồn gốc như củ nâu, củ mú từn. Không chỉ có nguy cơ ngộ độc, bác sĩ Sầm còn lo ngại nguy cơ sốc phản vệ nếu dị ứng với một trong các thành phần có trong củ.
Do đó, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại thực vật lạ, các loại củ, quả rừng. Sau khi ăn, nếu có biểu hiện bất thường, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, Cục An toàn Thực phẩm cũng đề nghị các địa phương tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của các loại củ, quả có thể gây ngộ độc. Tuyệt đối không ăn thử nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, khi sử dụng loại dược liệu tươi chữa bệnh, người dân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách dùng và liều lượng sử dụng.