Stephen Kopecky là bác sĩ chuyên khoa tim mạch của Bệnh viện Mayo Clinic (bang Minnesota, Mỹ). Năm 2013, ông đã nhận giải Tưởng niệm Jan J. Kellermann cho Công việc xuất sắc trong lĩnh vực Phòng ngừa bệnh tim mạch.
Ông cũng là giáo sư y khoa tại trường Đại học Y khoa và Khoa học Mayo Clinic, nơi ông được vinh danh là một trong những giảng viên hàng đầu và nhận nhiều giải thưởng giảng dạy ưu tú.
Con đường đạt được những vinh quang trong nghề nghiệp của bác sĩ Kopecky không hề bằng phẳng khi ngay từ lúc là sinh viên, ông đã bị ung thư và sau đó mắc căn bệnh nguy hiểm này thêm lần nữa.
Trong cuốn sách Để sống trẻ lâu hơn, vị giáo sư người Mỹ chia sẻ về trải nghiệm mắc bệnh của bản thân, phân tích chi tiết những yếu tố nguy cơ giết chết một người cùng 6 bước ngăn ngừa các căn bệnh nguy hiểm.
Đầu những năm 1980, Kopecky đang ở độ tuổi 20, là sinh viên năm thứ tư của Đại học Texas và sẵn sàng cho những kỳ thực tập tại các cơ sở y tế khác nhau. Tưởng chừng cuộc sống tươi đẹp đang mở ra trước mắt, Kopecky đột ngột phát hiện có một khối u tinh hoàn gọi là u tinh bào tinh hoàn. Ung thư tinh hoàn là một trong năm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam thanh niên. Trong trường hợp của Kopecky, ung thư chưa di căn nên vẫn còn cơ hội sống.
Chàng thanh niên đã trải qua 6 tuần xạ trị dài như 6 tháng tại Trung tâm Ung thư MD Anderson. Do tác dụng phụ của xạ trị, Kopecky ngủ 16 tiếng mỗi ngày. Ngày và đêm trôi qua trong hư ảo.
Sau khi khỏi bệnh, Kopecky tiếp tục việc học hành và thực tập, sau đó trở thành bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Mayo Clinic. Bác sĩ trẻ kết hôn và lần lượt có 3 người con.
Năm 39 tuổi, Kopecky phát hiện ra một khối u nữa nhưng nguy hiểm hơn. Ông phải hóa trị 6 tháng và phẫu thuật loại bỏ phần ung thư còn sót. Ông khỏi bệnh lần thứ hai.
Tại sao từ khỏe mạnh lại chuyển sang bị bệnh?
Kopecky là một bác sĩ tim mạch xâm lấn điều trị các cơn đau tim và thực hiện thủ thuật mong mạch vành. Công việc hằng ngày của ông liên quan tới khía cạnh điều trị chứ không phải phòng ngừa y học.
Tuy nhiên, 2 lần mắc ung thư trước 40 tuổi đã khiến ông quan tâm tới việc phòng ngừa biến cố này xảy ra một lần nữa. “Đối với tôi, học cách phòng ngừa bệnh tật là một điều khá mới mẻ. Những gì tôi học được khiến tôi ngạc nhiên”, bác sĩ Kopecky tâm sự.
Sức khỏe của chúng ta không tồn tại trong môi trường chân không mà là tác động qua lại phức tạp giữa những gì diễn ra trong cơ thể và môi trường bên ngoài.
Theo bác sĩ Kopecky, gene di truyền có thể quyết định 20% sức khỏe tổng quát của một người. Một số đột biến gene là nguyên nhân trực tiếp gây ra một số bệnh cụ thể hoặc khiến con người dễ mắc phải một số bệnh nào đó. Ví dụ, nếu nhóm máu của bạn là A hoặc B, nguy cơ đau tim tăng lên 20% so với người có nhóm máu O. Nếu bạn có nhóm máu AB, nguy cơ tăng lên 40%.
Một số yếu tố tác động từ bên ngoài như tai nạn, nhiễm trùng, tự làm đau bản thân có thể gây tổn hại tới cơ thể, quyết định 20% sức khỏe tổng quát. Trong khi đó, khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế ảnh hưởng khoảng 10%.
Yếu tố quyết định 50% sức khỏe tổng quát chính là những hoạt động hằng ngày của bạn. Các thói quen như hút thuốc, ăn thực phẩm không lành mạnh, ngồi quá nhiều, không tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ đau tim lên gấp 4 lần.
6 bước ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm
Khi bác sĩ Kopecky mắc ung thư lần thứ hai, các con của ông còn khá nhỏ. “Tôi muốn có thể nhìn các con lớn lên. Tôi muốn được cùng vợ già đi và tận hưởng thêm nhiều năm bên nhau”, ông tâm sự.
Bởi vậy, mục tiêu của ông là tìm ra các yếu tố nguy cơ gây ung thư và cải thiện chúng nhiều nhất có thể. Sau một thời gian, ông nhận ra rằng các yếu tố đó tương tự giữa các bệnh như ung thư, đau tim, đột quỵ, Alzheimer, tiểu đường, huyết áp cao…
Bước 1: Những thực phẩm tiếp nhiên liệu. Nghiên cứu phát hiện ra rằng một số chế độ ăn uống nhất định thường đi cùng với tình trạng sức khỏe tốt hơn. Ví dụ chế độ ăn uống bao gồm thực phẩm có nguồn gốc thực vật kết hợp với protein nạc có thể ngăn ngừa các bệnh mạn tính phổ biến như bệnh tim, ung thư, sa sút trí tuệ.
Bước 2: Linh hoạt và sung sức. Chúng ta cần hai loại hoạt động thể chất để tối ưu sức khỏe. Trước tiên, không được ngồi nhiều. Cứ mỗi 30-60 phút, bạn cần di chuyển 2-3 phút. Ngoài ra, bạn cần thực hiện một hoạt động nào đó giúp tăng nhịp tim, đổ mồ hôi.
Bước 3: Ưu tiên giấc ngủ. Trong khi ngủ, cơ thể bạn sẽ chuyển sang chế độ bảo toàn năng lượng. Cơ bắp của bạn thư giãn, huyết áp giảm 10-15%. Các chất hóa học trong não loại bỏ chất độc hại tiềm ẩn, các tế bào có thời gian tự sửa chữa và tế bào mới có cơ hội phát triển mạnh.
Bước 4: Xử lý căng thẳng và lo âu. Nhiều người trong chúng ta sống chung với áp lực, stress. Điều đó có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Bước 5: Tránh hút thuốc và tiếp xúc các chất gây ô nhiễm khác. Có 70 chất độc khác nhau trong khói thuốc lá được biết có thể gây ung thư ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể như máu, gan, phổi, miệng, cổ họng, thanh quản, tuyến tụy…
Bước 6: Suy nghĩ thấu đáo về rượu. Mặc dù còn tranh cãi nhưng hầu hết nghiên cứu cho thấy uống một lượng nhỏ rượu có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch. Mặt khác, uống nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong sớm.