Anh H. (30 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) phải vào bệnh viện trong tình trạng tổn thương nặng.
Trước đó, anh H. đi câu gần đường dây điện cao thế, khi vung cần vô tình chạm vào dây điện khiến điện phóng ra gây bỏng. Sau tai nạn, người đàn ông này bị đau rát, bỏng vùng ngực, cẳng tay và 2 chân. Không đến cơ sở y tế thăm khám, anh tự đắp thảo dược không rõ nguồn gốc (thuốc nam) để chữa trị.
Tình trạng tổn thương không đỡ và đau nhiều kèm theo chảy dịch buộc bệnh nhân phải đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang thăm khám.
BSCKI Nguyễn Quang Nguyên - Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết, vết bỏng điện của anh H. sâu, nhiều vỏ thuốc nam bẩn bám vào và chảy dịch. Bệnh nhân bị nhiễm trùng vết bỏng, cẳng tay hoại tử rất nặng nên có chỉ định phải cắt bỏ.
"Nếu không toàn bộ khu vực cẳng tay bị hoại tử sẽ nhiễm trùng, thấm ngược vào máu gây nhiễm trùng máu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Nguyên giải thích.
Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ cẳng tay trái đồng thời chăm sóc các vết bỏng nặng trên ngực và 2 chân của bệnh nhân như vệ sinh vết bỏng, thay băng và điều trị bằng thuốc giảm đau, kháng sinh... Sau hơn 10 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân H. ổn định, các vết mổ và vết bỏng đã khô và lên da non.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân nên chú ý quan sát và tránh xa các dây điện (đặc biệt là đường điện cao thế) để tránh bị điện giật. Việc xử lý cấp cứu người bị điện giật ban đầu nhanh, đúng, hiệu quả sẽ góp phần làm tăng khả năng cứu sống và giảm nguy cơ di chứng tàn phế cho bệnh nhân. Một số các phương pháp cấp cứu đúng cách như sau:
- Khi thấy nạn nhân bị điện giật, gia đình hoặc người xung quanh cần xử trí đúng cách. Đó là dùng vật cách điện như cây khô, nhựa mũ... tách dòng điện ra khỏi nạn nhân hoặc ngắt cầu dao điện, sau đó nhận định tình trạng và xử trí cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân.
- Nếu nạn nhân tắt thở: Đặt nạn nhân nằm ngửa, chỗ khô ráo thoáng khí, sau đó nới rộng quần áo, dây thắt lưng, tiến hành lấy đờm nhớt trong miệng nạn nhân ra và hồi sức tim phổi cho nạn nhân. Nếu nạn nhân có nhịp tim trở lại nhanh chóng đưa đi cấp cứu ở cở sở y tế gần nhất.
- Trường hợp nạn nhân tỉnh, người nhà cần chuyển nạn nhân đến nơi khô ráo, thoáng khí, để nạn nhân tự hồi tỉnh, sau đó giữ ấm cho nạn nhân và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ cũng cho biết, quá trình cấp cứu người bị điện giật, chúng ta cần bình tĩnh, không nên hốt hoảng. Người tiến hành cấp cứu không nên tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân nếu chưa đảm bảo được cách điện an toàn. “Đặc biệt không nên cạo gió, thoa dầu mỡ vào nạn nhân; Không được đổ nước, đắp bùn… và không nên sử dụng thuốc nam đắp vào vết bỏng của nạn nhân”, bác sĩ Nguyên thông tin.