Bệnh nhân 66 tuổi quê Bắc Giang tới khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội). Tại đây, ông được làm xét nghiệm máu, điện tim, siêu âm tim, phát hiện tình trạng thiếu máu cơ tim.
Nhập viện, bệnh nhân được chụp động mạch vành phát hiện hẹp khít đoạn đầu động mạch liên thất trước. Bác sĩ can thiệp kịp thời, đặt 1 stent qua đoạn hẹp, sau đặt bệnh nhân ra viện ổn định.
Bệnh nhân cho biết có tiền sử khỏe mạnh, hút thuốc lá khoảng 25 năm, không có bệnh lý mạn tính, không khó thở khi gắng sức, không đau tức ngực, không có rối loạn nhịp tim. Ông không nghĩ mình bị bệnh nghiêm trọng như vậy trước khi đi khám, kiểm tra sức khỏe.
Ngày 24/7, bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện 108, cho biết nguyên nhân bệnh lý động mạch vành của bệnh nhân này là do hút thuốc lá gây ra.
Bệnh lý mạch vành là một trong những nguyên nhân gây tử vong và nằm viện kéo dài hàng đầu. Nguyên nhân thường gặp do hậu quả của hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm.
Theo các chuyên gia, trong mô hình bệnh tật về tim mạch, các bệnh do thấp tim, van tim có xu hướng giảm đi, nhưng các bệnh do xơ vữa động mạch như: Tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não... lại có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân liên quan rất nhiều đến chế độ dinh dưỡng, lối sống không hợp lý, khoa học như uống nhiều rượu bia, thuốc lá, lười vận động; stress...
PGS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019 thống kê mỗi năm có gần 19 triệu người tử vong vì bệnh lý tim mạch, cao hơn tổng số tử vong do 3 loại bệnh không lây nhiễm cộng lại, gồm: ung thư (hơn 10 triệu người), phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD, gần 2 triệu người) và tiểu đường (3,3 triệu người).
Trong số bệnh nhân tử vong vì tim mạch, riêng bệnh động mạch vành có tới 9 triệu người.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế thống kê mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm hơn 30% số ca tử vong do các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Trong khi theo Globocan (2020), mỗi năm Việt Nam có hơn 122.600 ca tử vong do ung thư.
Điều đáng nói, theo PGS Hùng, dù bệnh nhân tim mạch tử vong nhiều và nhanh hơn ung thư nhưng bệnh lý tim mạch có thể phòng được. Tuy nhiên, nhiều người không hề biết mình mắc bệnh do bệnh lý tim mạch tiến triển âm thầm. Đặc biệt, các chuyên gia lo ngại tình trạng vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.
"Đối với những người có nguy cơ cao như hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm, có các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tuổi trung niên trở lên… cần thường xuyên đi khám, kiểm tra sức khỏe, ít nhất một lần một năm và làm các xét nghiệm cận lâm sàng kiểm tra về tim mạch, hô hấp", bác sĩ Sơn khuyến cáo. Điều này nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm, tránh để quá muộn, có thể gây các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.