Ghé thăm phòng khám của lương y Phạm Văn Hiểm (50 tuổi, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) kiêm Chủ tịch Hội Đông y xã thấy ông đang cặm cụi trải mỏng dược liệu ra sân phơi khô, chuẩn bị bốc thuốc cho bà con.
Đam mê tìm hiểu các loài thuốc nam từ nhỏ, ông Hiểm chọn học y sĩ và lớp chuẩn hóa lương y tại Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau. Năm 1996, ông tốt nghiệp rồi làm việc ở nhiều phòng khám trên địa bàn tỉnh.
Tới năm 2013, lương y Hiểm về lại quê nhà làm việc. Tại đây, ông miệt mài với công việc khám chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí cho người dân nghèo ở địa phương.
Thời gian hành nghề, ông nhận thấy nhu cầu về nguồn thuốc nam ngày càng lớn, song nguồn dược liệu lại không đủ đáp ứng. Từ đó, lương y Hiểm nảy ra ý tưởng trồng thuốc nam ở khu vực đất trống, sau đó phát triển thành các hàng rào trước nhà dân.
“Tôi chọn loại cây có thân cứng cáp, thích hợp làm hàng rào cây xanh rồi mang tới từng hộ dân gửi trồng, đồng thời chỉ cách chăm sóc. Ban đầu tôi thuyết phục trồng được 30m hàng rào thuốc nam chủ yếu ở nhà các hội viên, người quen, nhưng nhiều giống cây không hợp chất đất đã héo rũ”, ông Hiểm nhớ lại và chia sẻ khó khăn trong việc thuyết phục bà con.
Không bỏ cuộc, ông thường xuyên lui tới nhà dân để giới thiệu về tác dụng của các loại dược liệu; lựa chọn các loại cây thuốc phù hợp hơn như mọi lựu, dành dành, bùm sụm, bông trang, mật gấu… Nhờ sự kiên trì của lương y Hiểm, nhiều hộ dân đã chủ động xin cây giống về trồng.
“Cây thuốc nam tôi chọn chủ yếu là loại hay được người dân dùng chữa các loại bệnh thông thường như nhức mỏi, giúp lưu thông máu huyết, giải nhiệt, trợ thận, gan...”, ông Hiểm nói.
Những dãy hàng rào xanh tốt dần được hình thành. Lượng thuốc nam vừa là nguồn dược liệu cung cấp cho việc khám chữa bệnh, vừa tạo cảnh quan xanh sạch ở thôn quê. Đến nay, ngoài hàng rào thuốc nam hơn 5km, hiện xã Tân Lộc có thêm 3 vườn thuốc lớn, tổng diện tích hơn 6.000m2 với hơn 60 dược liệu các loại.
Theo ông Hiểm, có khoảng 800kg dược liệu thu hoạch mỗi năm từ những vườn thuốc này. Ngoài số lượng thuốc nam được sử dụng tại địa phương, dược liệu còn được Hội Đông y xã Tân Lộc chia sẻ cho các xã lân cận, thậm chí cho các huyện khác, sau đó đổi lại những dược liệu còn thiếu.
Ông Lê Văn Út (55 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tân Lộc) cho biết, năm 2016, ông được ông Hiểm vận động trồng cây thuốc nam tại nhà. Thấy đất trống còn nhiều, ông Út hưởng ứng, nhận về hàng chục cây giống các loại để trồng. Hai năm sau, hàng rào thuốc nam hơn 30m trước nhà hình thành.
Phong trào trồng hàng rào thuốc nam tại xã được bà con hưởng ứng nhiệt tình. Khoảng nửa tháng các hộ sẽ cắt, tỉa thu hoạch. Dược liệu sau đó được lựa chọn, vận chuyển về kho để phân loại, phơi khô và dự trữ. Lương y Hiểm sắp xếp, ghi chép để biết được số lượng, chủng loại của các vị thuốc.
Ông Trần Hải Phong, Chủ tịch Hội Đông y huyện Thới Bình cho hay, những năm qua ông Hiểm có đóng góp rất lớn trong việc phát triển và nhân rộng các vườn thuốc nam tại địa phương. Từ đó, nguồn dược liệu luôn dồi dào, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân bằng phương pháp đông y.