Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 8 và 8 tháng đầu năm nay của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM thể hiện, tổng số người nghiện ma túy đang được quản lý tại 15 cơ sở cai nghiện ma túy ở thành phố là 10.008 người, tăng 1.914 trường hợp so với đầu kỳ.
Cũng trong tháng 8, các cơ sở cai nghiện đã cấp 235 giấy chứng nhận chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tính từ đầu năm đến nay đã có 2.348 người nghiện chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc.
Về công tác quản lý người nghiện ma túy, cơ quan Công an TP.HCM lập danh sách và hồ sơ người nghiện theo hướng dẫn số 9908/HD-SLĐTBXH-CATP.HCM ngày 30/11/2022 về công tác lập hồ sơ, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo 138 TP.HCM và Công an TP.HCM phát huy vai trò của người dân, gia đình trong phát hiện, quản lý, giáo dục và giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. Từ trước đến nay, công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện luôn được chính quyền TP.HCM quan tâm.
Theo quy định của pháp luật, nội dung quản lý sau cai nghiện được quy định bao gồm: Lập danh sách người bị quản lý sau cai nghiện ma tuý; tư vấn, giúp đỡ, phòng, chống tái nghiện ma tuý; theo dõi, phát hiện, ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.
Ý nghĩa của việc quản lý người sau cai nghiện là để theo dõi, kiểm soát, ngăn chặn người nghiện tái nghiện trở lại. Bên cạnh đó, việc quản lý theo đúng quy định sẽ giúp cho người sau cai nghiện được đảm bảo quyền lợi, hưởng những chính sách của Nhà nước để họ có thể tái hoà nhập cộng đồng một cách dễ dàng hơn.
Tại TP.HCM, có nhiều cá nhân, tổ chức chung tay với chính quyền hỗ trợ người sau cai nghiện. Với những việc làm, hoạt động thiết thực của mình, các cá nhân, tổ chức này không chỉ đảm bảo quyền được cai nghiện, chữa bệnh, hưởng những chính sách của Nhà nước… cho người sau cai nghiện, họ còn hỗ trợ, bảo vệ quyền được sống trong môi trường lành mạnh, an toàn, không bị đe dọa tấn công, xâm phạm cho người dân.
Một trong những cá nhân như vậy là bà Lê Kim Chung (SN 1954), đội phó đội Cán sự xã hội tình nguyện quản lý sau cai phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Mất con vì ma túy
Trưa đầu thu nắng dịu, bà Chung ngồi lật từng trang cuốn sổ úa màu. Bà tìm lại kỷ niệm vui buồn trong hơn 10 năm tham gia công tác quản lý người sau cai nghiện.
Bà Chung có mối thù không đội trời chung với ma túy. Ở tuổi trung niên, bà phát hiện con trai đầu lòng nghiện ma túy. Bà trình báo, đưa con đi cai nghiện bắt buộc nhưng đã muộn.
Chuỗi ngày giúp con cai nghiện kéo dài suốt 10 năm không giúp bà tránh khỏi nỗi đau mất con. Bà Chung nhớ mãi lời con trăng trối.
“Trước lúc ra đi, con nắm chặt tay tôi nói lời xin lỗi rồi dặn: 'Mẹ nói với những người trẻ như con đừng dính vào ma túy. Không có ích mà mất tất cả'”, bà Chung kể.
Nỗi đau mất con cùng lời trăng trối ấy khiến bà quyết dành phần đời còn lại để chống tệ nạn ma túy, hỗ trợ người sau cai nghiện.
Đó cũng là lý do bà trở thành chủ nhiệm của câu lạc bộ Lá chắn với các thành viên là phụ huynh có người thân, con em vướng vào tệ nạn ma túy. Thấu hiểu nỗi đau gia đình có người vướng tệ nạn, bà gần gũi, yêu thương, trân trọng, chở che những người lầm đường lạc lối.
Sự gần gũi của bà chiếm được niềm tin của các thành viên câu lạc bộ. Thay vì kỳ thị, xa lánh con em mình đang nghiện ma túy, nhiễm HIV, họ gần gũi, động viên và cùng con cai nghiện, đương đầu với bệnh tật.
Những năm tháng hoạt động trong câu lạc bộ Lá chắn giúp bà Chung nhận ra rằng muốn hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội phải giúp đỡ, gần gũi những người sau cai nghiện.
Bởi, khi được giúp đỡ, có công ăn việc làm, họ sẽ không còn nghĩ đến chuyện buôn bán, hút chích ma túy nữa.
Từ suy nghĩ này, năm 2011, bà Chung tham gia và trở thành Đội phó Đội Cán sự xã hội tình nguyện quản lý sau cai phường 3, quận Bình Thạnh. Người đi cai nghiện ma túy trở về gia đình thường được địa phương quản lý, hỗ trợ.
Vốn đã có kinh nghiệm khi còn hoạt động tại câu lạc bộ Lá chắn, bà Chung quyết định tham gia Đội Cán sự xã hội tình nguyện quản lý sau cai của phường với hy vọng có thể giúp đỡ người hồi gia từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.
“Má Chung” của người sau cai
Những ngày đầu đảm nhận nhiệm vụ, bà Chung thường đến gặp người sau cai bằng tấm lòng hiền hậu, dễ gần. Bà thường bắt đầu chuỗi ngày theo dõi, hỗ trợ họ bằng những lời hỏi thăm tình hình sức khỏe, có công ăn việc làm hay chưa.
Bà nói: “Hiện nay, người sau cai rất được Nhà nước hỗ trợ. Ở nơi tôi sinh sống, làm việc, học viên cai nghiện hồi gia đều được chính quyền phường quan tâm, thăm hỏi.
Đối với những người có khả năng không tái nghiện, tạo được uy tín sẽ được phường hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn, giới thiệu việc làm…
Tôi là người mẹ đau khổ và không muốn bất cứ người mẹ nào khổ như mình trước đây. Thế nên khi tiếp nhận công tác hỗ trợ người sau cai, tôi luôn cố gắng tìm cách giúp các em thoát khỏi ma túy mãi mãi”.
Tâm thế trên khiến bà sẵn sàng giúp đỡ những người hồi gia bằng cả tấm lòng. Là mạnh thường quân của phường, bà Chung sử dụng nguồn kinh phí của cá nhân mua gạo, nhu yếu phẩm để hỗ trợ những người sau cai.
Những ai chưa có phương tiện lao động, việc làm… đều được bà giới thiệu vào làm việc ở những nơi uy tín. Đối với những người sau cai nhiễm HIV, ngoài việc hướng dẫn họ tự bảo vệ mình, bảo vệ những người xung quanh, bà giới thiệu họ đến các trạm y tế để sử dụng thuốc ARV.
Bà Chung cũng chú trọng công tác tuyên truyền vận động các gia đình có con em vừa hồi gia, người xung quanh không kỳ thị, xa lánh họ. Mỗi ngày, bà thường đi từng hẻm để trò chuyện, động viên người sau cai kiên quyết bỏ ma túy.
Mỗi lần như thế, bà thường khuyên: “Thôi, đã đi cai về rồi thì cố bỏ nha con. Không lẽ đời này, mình cứ ở trong trại cai nghiện. Ai cũng phạm sai lầm nhưng hơn nhau là biết cách vượt qua, sửa chữa sai lầm đó. Đời người chỉ có một lần được sống, mình phải sống vui, sống khỏe”.
Cách tiếp cận, hỗ trợ người sau cai bằng cả tấm lòng của bà Chung đem lại hiệu quả rõ rệt. Bà được những người hồi gia tin tưởng, yêu thương đến độ gọi má, xưng con.
Một trong những người như vậy là anh T.D.H. (SN 1983, quận Bình Thạnh). Anh từng là thành phần quậy phá, nhiều lần cai nghiện rồi tái nghiện.
Tuy nhiên, khi được “má Chung” hỗ trợ, khuyên can, anh H. dần nhận ra lỗi lầm của mình và kiên cường cai nghiện. Sau này, không chỉ không tái nghiện, quậy phá, anh H. còn làm lại cuộc đời và trở thành chủ của một sạp kinh doanh thịt.
Bà Chung tâm sự: "Không như bây giờ, trước đây, địa phương tôi sinh sống có nhiều người nghiện ma túy. Vì thế, việc tôi tiếp xúc, hỗ trợ khoảng 200-300 người sau cai trong hơn 10 năm qua là điều dễ hiểu.
Hai năm trở lại đây, phường 3 (quận Bình Thạnh) không còn người nghiện ma túy nữa. Dù vậy, tôi vẫn quan tâm, hỗ trợ những người hồi gia từ lâu nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn".
"Tôi luôn quan niệm, muốn hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội phải giúp đỡ, gần gũi những người sau cai nghiện. Hơn thế, tôi cảm thấy hạnh phúc khi có thể giúp các em thoát khỏi ma túy, làm lại cuộc đời. Thế nên, còn khỏe, còn minh mẫn, tôi còn tiếp tục công việc này”, bà chia sẻ thêm.
Nhận nhiều giấy khen, bằng khen Bà Kim Chung từng là Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố, Phó Ban bảo vệ dân phố. Trong quá trình công tác, bất cứ trên cương vị nào, bà đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2010, bà là gương điển hình 10 năm phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Năm 2015, bà được tuyên dương gương người tốt việc tốt của TP.HCM; Gương sáng phố phường. Ngoài ra, bà được nhiều cơ quan, đoàn thể tặng hàng trăm giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương… vì thành tích và những việc làm nghĩa hiệp cho xã hội trong nhiều năm. |