Ông Đ.V.K (59 tuổi, trú tại Quảng Xương, Thanh Hóa) có thói quen nhâm nhi cốc rượu cùng với bát bún hoặc phở vào buổi sáng. Ông K. cho rằng nếu không có chén rượu, món ăn sẽ không ngon. 

Trước khi nhập viện 2 ngày, ông K. uống rượu tại quán ăn và về nhà tiếp tục dùng thêm. Sau đó, ông K. có biểu hiện mệt, đau đầu, nôn ói. Gia đình cho rằng ông say rượu. Sáng ngủ dậy, ông K. không nhìn thấy gì. 

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ cho biết ông K. bị ngộ độc methanol. Sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân bảo toàn tính mạng nhưng thị lực không thể phục hồi. Ngoài ra, ông K. còn bị tăng men gan, xơ gan. 

Bệnh nhân B.V.T. (quê Tam Dương, Vĩnh Phúc) cũng bị ngộ độc rượu dẫn tới mù mắt. Theo gia đình, ông T. thích uống rượu vào buổi sáng cho có cảm giác "cay cay". Gia đình thường mua rượu từ chỗ người quen để phòng ngộ độc.

Gần đây, ông T. nhờ cháu ngoại đi mua rượu ở cửa hàng tạp hóa về uống. Sau đó, bệnh nhân đau đầu, nôn ói, được vợ dìu đi ngủ. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân không nhìn thấy gì nên được đưa đi cấp cứu.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đây là các trường hợp điển hình đến trung tâm cấp cứu do ngộ độc methanol dẫn tới biến chứng mù mắt. Các bệnh nhân này đều có khả năng phục hồi thị lực rất thấp.

Rượu chứa cồn công nghiệp methanol sẽ chuyển hóa thành axit formic. Lượng axit này tích cụ có thể gây tổn thương võng mạc và thần kinh thị giác dẫn tới mù vĩnh viễn. 

Những người nghiện rượu nếu uống phải rượu pha cồn methanol sẽ chuyển hóa chậm hơn nên các biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau 2-3 ngày.

Rượu chứa cồn công nghiệp rất khó phân biệt với rượu thực phẩm. Thậm chí, uống loại rượu này còn có vị ngọt, dễ uống. Khi xuất hiện các dấu hiệu điển hình như hôn mê hoặc mù mắt, bệnh nhân lúc này đã trong tình trạng nặng.