Bệnh nhân là ông L.V.C. (60 tuổi, ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ). Ông được gia đình đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sáng sớm ngày 28/8. Lúc này, người đàn ông đã trong tình trạng lơ mơ, gọi - hỏi đáp ứng rất chậm, kích thích nhiều, đồng thời liệt hoàn toàn nửa người bên trái.
Gia đình cho biết khoảng 5h sáng khi ngủ dậy thì phát hiện ông C. không cử động được nửa người bên trái, miệng nói không rõ tiếng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) có dựng mạch máu não cấp cứu cho thấy động mạch não giữa bên phải của bệnh nhân bị tắc.
Bác sĩ Trung tâm Đột quỵ chẩn đoán đây là trường hợp đột quỵ nhồi máu não không rõ thời điểm, tuy nhiên vẫn có thể cứu được vùng não tổn thương nếu can thiệp cấp cứu kịp thời. Lập tức, người bệnh được chỉ định can thiệp lấy huyết khối (cục máu đông) ra khỏi mạch não dựa trên hệ thống chụp DSA số hóa xóa nền.
Ca can thiệp gặp nhiều khó khăn do mạch máu của người bệnh có nhiều điểm bất thường, đoạn tắc dài có nguy cơ đứt từng đoạn gây nhồi máu những vị trí khác. Sau 40 phút, ê-kíp can thiệp lấy thành công cục máu đông dài gần 10 cm như "con giun" ra khỏi mạch máu, giúp tái thông mạch máu não cho người bệnh.
Sau can thiệp, người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tình trạng cơ lực từ liệt cải thiện nhiều. Sang ngày thứ 2, người bệnh đã nói rõ, cử động tay chân tốt, đi lại được. Nam bệnh nhân tiếp tục được theo dõi điều trị nội khoa, phục hồi chức năng vận động, sớm được ra viện mà không để lại di chứng.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Anh Minh, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết đây là cục máu đông có độ dài lớn nhất mà bác sĩ trung tâm này từng can thiệp lấy ra.
"Trường hợp đột quỵ không rõ thời điểm thường xảy ra vào ban đêm và sáng sớm, do đó không thể xác định được 'giờ vàng'. Việc cần thiết là người nhà cần đưa người bệnh tới cơ sở điều trị đột quỵ gần nhất để được cấp cứu kịp thời", bác sĩ Minh nói.
Nhồi máu não (như trường hợp ông C.) là một trong 2 thể đột quỵ (cùng với xuất huyết não), đây là tình trạng cấp cứu hay gặp nhưng không nhiều người biết cách nhận diện và xử trí đúng.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất - tức nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm.
Một nghiên cứu của Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai khảo sát trên 2.310 bệnh nhân đột quỵ công bố tháng 11/2022 cho thấy độ tuổi trung bình người dân Việt Nam bị đột quỵ khoảng 65. 7,2% bệnh nhân dưới 45 tuổi, bệnh nhân nam gấp 1,5 lần nữ. Tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 76%.
Để phòng ngừa tái phát đột quỵ, người bệnh cần ghi nhớ tăng cường vận động, giảm cân chống béo phì, không ăn nhiều mỡ béo, chất ngọt, đường, bột, muối mặn, ăn nhiều rau củ, trái cây, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo thường, bệnh tim, chữa tăng cholesterol máu, bỏ thuốc lá, ngưng rượu bia,...
Ngoài những yếu tố này, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm từ kết quả tầm soát đột quỵ để kiểm soát 3 nhóm nguyên nhân lớn gây đột quỵ cho người bệnh gồm: xơ vữa động mạch, rung nhĩ, bệnh lý mạch máu nhỏ.
Lưu ý, khi gặp người bị đột quỵ, cần tránh làm những việc sau: Cố gắng đo huyết áp người bệnh, dùng những thuốc truyền miệng, thuốc không được bác sĩ khuyến cáo, thuốc trôi nổi trên thị trường; chích máu đầu ngón tay, xoa dầu, bấm huyệt nhân trung hay những biện pháp truyền miệng dân gian khác mà không có khuyến cáo của bác sĩ.