Bệnh nhân N.H. (35 tuổi, trú tại Yên Lập, Phú Thọ) có tiền sử viêm tụy, rối loạn chuyển hóa lipid. Ngày 26/8, anh H. xuất hiện đau bụng, mức độ đau tăng dần, bụng chướng nên đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đau bụng, có phản ứng thành bụng vùng hạ sườn phải và thượng vị, hội chứng nhiễm trùng rõ, xét nghiệm chỉ số mỡ máu tăng trên 20 lần so với bình thường, chụp cắt lớp vi tính cho kết quả viêm tụy cấp.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp, chỉ định lọc máu thay huyết tương. Sau gần hơn 2 giờ lọc máu và thay thế huyết tương bằng albumin, 5 lít huyết tương có màu trắng đục được đưa ra ngoài cơ thể. Hiện tại, bệnh nhân đỡ mệt, đỡ đau bụng, các chỉ số xét nghiệm trở về gần với mức bình thường, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa cấp cứu.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, viêm tụy cấp có nhiều nguyên nhân, trong đó khoảng 7% do mỡ máu. Mỡ máu tăng cao dẫn đến tắc nghẽn ở các mao mạch tụy, gây thiếu máu nuôi dưỡng mô tụy. Hậu quả là gây ra hoại tử mô và toan hóa máu. Khi đó, các tế bào tuyến tụy sẽ bị nhiễm độc và hình thành các tổn thương tại chỗ gây ra viêm tụy cấp.
Mỡ máu cao không chỉ gây viêm tụy cấp mà còn dẫn tới nhiều bệnh lý tại các cơ quan khác như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tắc động mạch, gan nhiễm mỡ...
Để phòng viêm tụy cấp, nữ bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế ăn mỡ động vật, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, sữa toàn phần, bơ, thịt đỏ (thịt chó, bò, trâu), lòng động vật, tôm, tăng cường thể dục thể thao giúp "đốt cháy" mỡ thừa trong cơ thể và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý.