Tại lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số diễn ra ngày 11/7, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hoá gia đình TPHCM Phạm Chánh Trung cho biết, tuổi thọ trung bình của người dân thành phố là 76,5, cao hơn mức trung bình cả nước (73,7 tuổi).
Trong khi đó, mức sinh của thành phố ngày càng giảm. Số con trung bình của một phụ nữ TPHCM trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên mỗi phụ nữ). Gần 20 năm qua, TPHCM luôn nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước.
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Công an TPHCM cung cấp, năm 2023, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của thành phố là 1.135.889, chiếm tỷ lệ 12,05%. Điều này cho thấy TPHCM đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số.
"Già hóa dân số khiến cấu trúc gia đình thay đổi, con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Đồng thời, già hóa dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Điều này cũng dẫn tới cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn..." - ông Trung phân tích.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, để ứng phó với già hóa dân số, ngành y tế đang nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, tiếp tục khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và lập hồ sơ sức khỏe dành cho người cao tuổi.