Đào Thu Lê vừa hoàn thành biểu diễn trong khuôn khổ chương trình Hoà nhạc kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc với vai trò solist piano bản Rhapsody số 12 của Liszt. Cô là một trong hai nghệ sĩ Việt Nam đảm đương vai trò solist trong một chương trình kéo dài 2 đêm với sự tham gia của nhiều gương mặt sáng giá đến từ hai quốc gia.
Mỗi lần thấy Đào Thu Lê trên sân khấu bên cây dương cầm, là mỗi lần khán giả đều cảm thấy không gian, thời gian đều như dừng lại trên phím đàn của cô. Bản thân Đào Thu Lê khi ấy cũng thấy cuộc sống dường như chỉ còn mỗi phím đàn và âm thanh. Trên sân khấu, Đào Thu Lê không có hình ảnh lộng lẫy, không rực rỡ, cô cũng như con người mình ngoài đời, nhẹ nhàng, giản dị và chỉ biết đến phím đàn. Sự giản dị của Đào Thu Lê tự nhiên mà như hữu ý, khiến khán giả tập trung nhiều hơn vào ngón đàn của cô, vào những xúc cảm tràn ngập mà cô mang lại.
Khi thấy đôi tay của Đào Thu Lê điệu nghệ lướt trên phím đàn trong chương trình Hoà nhạc kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc hay đệm cho Lương Nguyệt Anh hát Thương lắm tóc dài ơi ở liveshow Tự tình quê hương, cảm xúc đến mức cả khán phòng nhà hát tưởng như nín thở để dành không gian cho vẻ đẹp của âm nhạc. Những tiếng vỗ tay chỉ vang lên khi Đào Thu Lê ngừng đôi tay dưới vòm sáng của sân khấu. Rất nhiều tiếng hô vang phấn khích bởi đã được thưởng thức những thanh âm quá đỗi xúc cảm và mãn nguyện.
Đào Thu Lê luôn dành tất cả những gì đẹp đẽ nhất cho âm nhạc. Trên sân khấu, thứ rực rỡ nhất chính là phím đàn và âm nhạc. Còn cô, đơn giản là một nghệ sĩ lặng lẽ như phím dương cầm trong căn nhà cổ, giấu mình đi để chỉ có âm thanh làm xao xuyến người qua lại. Đào Thu Lê cũng rất kiệm lời nói về mình. Ai hỏi đến cô cũng chỉ cười thật nhẹ, nói đôi điều đơn giản nhất về chuyên môn.
Thu Lê sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc và tiếp nối tình yêu với piano từ mẹ lúc còn rất nhỏ. Mẹ Đào Thu Lê, NSƯT Hà Ngọc Thoa là nghệ sĩ, giảng viên piano. Bà yêu cây đàn dương cầm như hơi thở nên từ khi Đào Thu Lê lên 6 tuổi, bà đã ép con học đàn. Nhà chỉ có duy nhất một cô con gái nên bà muốn con nối nghiệp và kèm bằng được Đào Thu Lê học đàn. Đào Thu Lê cũng từng được biết đến với chuyện bị mẹ ép học đàn nhưng mải chơi và chểnh mảng, bị mẹ đánh đến bật máu tay.
Rồi cứ thế, tình yêu với tiếng dương cầm lớn lên như cây xanh, vươn dần những tán lá rộng. Tài năng bẩm sinh và được rèn luyện kỹ lưỡng của Đào Thu Lê dần toả sáng, cô bước dần những nấc thang của mình khi có cơ hội đến với đất nước Nga xinh đẹp và nỗ lực tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky với tấm bằng đỏ xuất sắc.
Đào Thu Lê là một người hạnh phúc và may mắn. Nói như vậy là bởi cho đến ngày hôm nay, khi đã là một người thành công, cô vẫn luôn có mẹ đồng hành. Bà đi theo con gái tới bất kỳ cuộc biểu diễn nào, luôn đóng góp cho con từng ý kiến nhỏ trong kỹ năng biểu diễn. Và tất nhiên, cũng không quên hỏi con từng bữa ăn nhỏ, đến sức khoẻ của Đào Thu Lê.
"Tim tôi như thắt lại, đập theo tiếng đàn của con. Bản nhạc con đánh lên, tôi lắng nghe rất kỹ, chưa từng một lần trễ nải. Đến khi còn sức khoẻ, tôi vẫn sẽ đi theo và lo lắng cho con như vậy", mẹ Đào Thu Lê xúc động nói.
Nhớ lại năm tháng cũ, để con đạt được thành tựu, bà cũng đã phải theo sát con, thúc giục thậm chí có lúc đánh đòn khi Thu Lê sao nhãng việc tập luyện. Bằng khả năng của mình, bà biết tài năng của con, tin vào con và dù có tiếng khắt khe nhưng vẫn kiên định làm nhiệm vụ định hướng, soi đường cho con đi. Thế nhưng lắng đọng bằng trải nghiệm của chính bản thân và công việc con đang theo đuổi, bà nói nữ nghệ sĩ piano khá vất vả. Bởi ngoài việc phài rèn luyện nhiều tiếng đồng hồ hàng ngày, lại làm công tác đào tạo như Đào Thu Lê, những nghệ sĩ nữ còn phải đảm đương vai trò người phụ nữ trong gia đình. Mà công việc này cũng chưa bao giờ là nhẹ nhàng.
"Vì thế, tôi nghĩ, nữ nghệ sĩ piano cần có thêm nhiều hơn nữa sự đồng cảm, sẻ chia", bà nói thêm. Bản thân Đào Thu Lê cũng nhận thấy ở vai trò đó, cô cũng bị "lấy cắp" đi nhiều thời gian cho âm nhạc so với trước kia. Trước đây, cô có thể ngồi tập đàn cả ngày trời nhưng bây giờ Đào Thu Lê phải chia bớt thời gian ấy cho việc quán xuyến nhà cửa.
Cho đến thời điểm này, với người nghệ sĩ piano như Đào Thu Lê, dù đã sở hữu những giải thưởng âm nhạc danh giá, dù được khẳng định tài năng khi liên tục là solist trong các chương trình hoà nhạc lớn, dù đã đào tạo và có rất nhiều học sinh được các giải thưởng âm nhạc piano quốc tế và được đến nhiều quốc gia để học tập, biểu diễn như Mỹ, Anh…, nhưng với Đào Thu Lê mọi chuyện như mới bắt đầu. Phía trước còn nhiều điều Đào Thu Lê cần nỗ lực và vươn tới, bởi con đường của nghệ thuật là con đường không có điểm dừng. Đào Thu Lê mong muốn mang tình yêu cây đàn đến với nhiều khán giả hơn nữa. Đồng thời, cũng từ đây kiếm tìm và khẳng định hơn tài năng của những người nghệ sĩ Việt.
Đào Thu Lê đang ấp ủ một dự án riêng dành cho mình, để giãi bày nhiều hơn với công chúng về mình, đưa tiếng đàn của mình đến nhiều hơn với công chúng. Bạn bè, người thân thúc giục rất nhiều, thậm chí là đốc thúc không ngừng. Ai cũng cảm thấy tiếc nuối nếu tài năng của Đào Thu Lê không có cơ hội toả sáng hơn nhiều lần nữa. Ví như ca sĩ Lương Nguyệt Anh, người yêu mến tài năng và con người, coi Đào Thu Lê như chị gái mình, đã luôn khích lệ Đào Thu Lê làm concert riêng.
"Chị ấy rất tài năng, nhưng lại quá khiêm nhường, giản dị. Tôi hiểu chị ấy rất nghệ sĩ, chỉ cần ngồi bên phím đàn là quên đi tất cả, bao vui buồn đều gửi vào đó cả, nên mọi sự miêu tả về chị ấy thực sự chỉ gói gọn trong mấy chữ: tài hoa và lặng lẽ. Chúng tôi yêu tính cách ấy của chị nhưng nhiều khi cũng thấy giận chính tính cách ấy. Bởi như vậy sẽ rất thiệt thòi đối với một nghệ sĩ. Trong nghề nghiệp, đam mê thôi chưa đủ, bên cạnh tài năng thì người nghệ sĩ cần biết quyết liệt trên hành trình đến với công chúng. Tôi mong muốn chị ấy được toả sáng hơn nữa", Lương Nguyệt Anh chia sẻ.
Quả thực, với bản tính trầm lặng, ưa tĩnh tại, Đào Thu Lê vẫn còn nhiều ngại ngần sợ không quán xuyến được những thứ bên ngoài âm nhạc. Ngại ngần để làm điều gì đó to tát cho mình nhưng Đào Thu Lê chưa bao giờ ngại ngần nỗ lực vươn lên, mỗi ngày đều luyện tập để ngón đàn ngày càng trở nên điêu luyện, tinh tế.
Thùy Vân