Trung tâm Kiểm định Hoàn Vũ là phòng thí nghiệm được sáng lập bởi ông Henry Bùi – một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt, chuyên phân tích kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và các đối tượng trong chuỗi cung ứng nông sản, thuỷ sản, thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn (Farm-to-table) và đảm bảo chất lượng hàng hoá Việt Nam xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Ông Henry Bui có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Standford, Agilent Technologies, Thermo Finnigan, Thermo Scientific, Thermo Fisher, nơi ông đã thiết kế và phát minh ra một số khía cạnh của công nghệ khối phổ hiện đại.

‘Người gác cổng’ cho nông sản Việt đi những thị trường khó tính nhất thế giới và ‘chấp niệm’ người Việt phải được ăn sạch - Ảnh 2.


Đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, lý
do nào khiến cho ông quyết định về Việt Nam và xây dựng Hoàn Vũ ?

Khoảng năm 2006-2007, khi còn ở Mỹ, tôi nhớ đã đọc được một bài báo trong nước, về nước ô nhiễm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Là một người làm về an toàn thực phẩm, nước uống, môi trường, tôi không thể ngồi yên, khi thấy quê hương mình đang gặp vấn đề như vậy.

Với một số tích luỹ từ công ty tại Mỹ, tôi đã quyết định thành lập một trung tâm kiểm nghiệm ở Việt Nam, chuyên kiểm thử an toàn thực phẩm, nước uống cho người dân.

Giai đoạn trước năm 2014, Hoàn Vũ cũng như các trung tâm kiểm nghiệm khác, phần lớn là lo an toàn thực phẩm trong nước, xuất cảng chỉ là phần nhỏ. Nhưng thực tế thì nhu cầu kiểm thử về môi trường, thực phẩm, nước uống trong nước vẫn là tương đối thấp.

Tình cờ, trong một dịp chúng tôi có tổ chức hội nghị khách hàng chuyên ngành mật ong, các doanh nghiệp đã đề nghị chúng tôi hỗ trợ ngành, trang bị các trang thiết bị chuyên kiểm thử mật ong xuất cảng. Trước đó, mật ong Việt Nam phải gửi qua bên Đức kiểm thử. Thời gian hơn 2 tuần, chi phí thì vô cùng đắt đỏ.

Mật ong là sản phẩm mà khi xuất khẩu cần phải kiểm tra lại 100%, truy xuất nguồn gốc rất nghiêm ngặt, xem ong có ăn đường hay không, mật ong có bị trộn đường lạ hay không. Kiểm thử sản phẩm này đòi hỏi trình độ kỹ thuật và trang thiết bị đầu tư lớn và đắt tiền, nên thậm chí trên thế giới cũng chỉ có rất ít các phòng kiểm nghiệm được mật ong.

Nhưng đã quyết hỗ trợ doanh nghiệp, tôi đầu tư thiết bị, chuyên phục vụ ngành mật ong. Và ngay khi có đơn vị kiểm thử trong nước là chúng tôi, doanh nghiệp đã rút ngắn thời gian chờ đợi từ 2 tuần xuống chỉ còn 3-4 ngày.

Từ đó, Hoàn Vũ tập trung vào hoạt động kiểm thử phục vụ xuất khẩu.

‘Người gác cổng’ cho nông sản Việt đi những thị trường khó tính nhất thế giới và ‘chấp niệm’ người Việt phải được ăn sạch - Ảnh 3.

Nhu cầu đối với kiểm thử cho xuất khẩu nông sản Việt Nam có lớn hay không?

Việc kiểm thử là bắt buộc nếu muốn vào các thị trường ‘khó tính’ như châu Âu, châu Mỹ hay Nhật Bản.

Ví dụ, khi xuất khẩu trái cây, có một số bên cố tình thêm nước hoặc chất khác để làm tăng trọng lượng, hoặc thêm đường, thêm acid citric để tăng độ chua hoặc ngọt, hay mật ong trộn đường – sản phẩm sẽ trở thành sản phẩm bị tác động, và không được phép vào các thị trường uy tín. Thậm chí, sản phẩm bị tác động mà bị phát hiện, thì có thể nguyên ngành hàng đó sẽ không vào thị trường được nữa.

Hay một số sản phẩm xuất khẩu như mật ong, chanh leo lại đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc. Ở Việt Nam, ngoài Hoàn Vũ, hiện chưa có đơn vị nào chuyên sâu về kiểm thử truy xuất nguồn gốc, vì cần sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại để mức độ nguyên thủy của sản phẩm, xem sản phẩm có bị thêm nước hay chất phụ gia khác vào không, hoặc cây trái thì có được chăm bón bằng phân hữu cơ hay không.

‘Người gác cổng’ cho nông sản Việt đi những thị trường khó tính nhất thế giới và ‘chấp niệm’ người Việt phải được ăn sạch - Ảnh 4.

Nhưng chắc ngành này ở Mỹ cũng có cơ hội tốt hơn cho ông (cười)?

Đúng là vậy (cười). Thu nhập của một chuyên gia đầu ngành kiểm thử tại Mỹ có thể lên đến vài trăm ngàn đô. Nhưng Việt Nam là nơi tôi đã sinh ra và trưởng thành, nên tôi cho rằng mình phải có trách nhiệm, và việc về Việt Nam đầu tư cũng là giúp ích được cho mọi người. So với tiền bạc, điều đó quan trọng và có ý nghĩa hơn đối với tôi.

Tôi tự hào rằng, Hoàn Vũ hiện nay đã trở thành phòng lab uy tín trong khu vực Đông Nam Á, và cũng đã giúp một số nông sản của Việt Nam đi các thị trường khó tính.

‘Người gác cổng’ cho nông sản Việt đi những thị trường khó tính nhất thế giới và ‘chấp niệm’ người Việt phải được ăn sạch - Ảnh 5.

Hoàn Vũ đã bao giờ phải giải quyết một trường hợp sản phẩm bị tác động khiến cả ngành bị cấm chưa?

Đã từng có. Cuối năm 2018, cộng đồng châu Âu phát hiện tạp chất trên trái thanh long quá lớn, nên đã có lệnh cấm thanh long Việt Nam vào châu Âu – một quyết định có ảnh hưởng rất lớn.

Thời điểm đó, một số doanh nghiệp làm ăn chân chính đã nỗ lực đấu tranh, tìm đến Hoàn Vũ, và Hoàn Vũ đã hỗ trợ họ, dựa vào quy định của châu Âu để thiết lập quy trình kiểm tra sản phẩm thanh long, chỉ trong vòng 2 ngày sau khi lệnh cấm được đưa ra, để thanh long Việt Nam có thể vào thị trường châu Âu.

‘Người gác cổng’ cho nông sản Việt đi những thị trường khó tính nhất thế giới và ‘chấp niệm’ người Việt phải được ăn sạch - Ảnh 6.

Tôi được biết một số mặt hàng kiểm định từ Hoàn Vũ có thể được xuất thẳng ra nước ngoài. Vì sao có thể làm được như vậy? Có nhiều trung tâm kiểm định làm được điều này hay không?

Quan trọng nhất là sự uy tín mà chúng tôi xây dựng được. Hoàn Vũ trước nay luôn uy tín ở độ ổn định và chính xác.Sản phẩm mật ong có rất nhiều chỉ tiêu kiểm thử, và chỉ cần một chỉ tiêu ‘rớt’ là nguyên một container hàng – tới 20 tấn – không được xuất khẩu. Một năm chúng tôi cho đi tới 50.000 tấn, tỷ lệ thành công là 99,99%. Trong vòng 4-5 năm trở lại đây, chỉ có 2-3 lần có trục trặc thôi.

Mỗi mẫu thử mà bị trượt thì ảnh hưởng lớn lắm. Tôi có hỏi các bạn cũng làm ngành kiểm định này, rằng tỷ lệ xuất hàng đi được bao nhiêu % thì các bạn vui, các bạn trả lời là 95%.

Tôi nói: 95% là… chết rồi. Tại vì 95% thì tức là 100 đơn hàng đi thì có 5 đơn hàng rớt. Mà mỗi đơn thử tính xem là bao nhiêu tiền? Thật là không đền nổi. Ở Mỹ, tỷ lệ thành công phải là 99,99%. Ở Hoàn Vũ cũng vậy, một năm đi mấy ngàn lô hàng mà không rớt đơn nào. Mấy năm mới có 1-2 lô hàng rớt.

‘Người gác cổng’ cho nông sản Việt đi những thị trường khó tính nhất thế giới và ‘chấp niệm’ người Việt phải được ăn sạch - Ảnh 7.

Khi kiểm tra chất lượng mà không đạt, cũng có doanh nghiệp đặt vấn đề, không biết Hoàn Vũ kiểm tra có đúng hay không, rồi yêu cầu kiểm tra lại, và xin Hoàn Vũ hỗ trợ chi phí kiểm tra lại đó (cười). Thậm chí có một số bạn mới hợp tác, mang mẫu thanh long qua kiểm định thì trượt đến 4-5 lần. Đến lần thứ 6 thì ‘ xin ’ được qua, để xuất được hàng.

Tôi chỉ nói đơn giản, nếu Hoàn Vũ sai thì đã đành, còn trong trường hợp các bạn pha trộn không đúng, dẫn đến kết quả không đạt, thì không có cách nào để Hoàn Vũ cho các bạn qua được.

Thật ra, để có thể đến được ngày hôm nay, là cả một quá trình Hoàn Vũ xây dựng thương hiệu, bảo vệ cho uy tín của các sản phẩm Việt Nam. Tôi không muốn làm khó ai, tôi chỉ muốn giúp họ, nhưng hàng kém chất lượng thì không thể nào cho phép qua được.

‘Người gác cổng’ cho nông sản Việt đi những thị trường khó tính nhất thế giới và ‘chấp niệm’ người Việt phải được ăn sạch - Ảnh 8.

Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn khá ‘dễ dãi’ trong việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về môi trường. Ông nghĩ thế nào về điều này? Hoàn Vũ đã góp phần giải bài toán đó ra sao?

Nhận định đó là cực kỳ chính xác, ngành sản xuất nông nghiệp nước mình chưa làm chặt về tiêu chuẩn an toàn, đến từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn, tôi cho là bởi việc sản xuất của mình còn nhỏ lẻ, khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều ở quy mô hộ gia đình, chỉ giống như các doanh nghiệp nhỏ, không như các doanh nghiệp tầm thế giới, nên cực kì khó trong việc quản lý quan toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo tôi, Việt Nam là một nước nông nghiệp có rất nhiều tiềm năng, nền nông nghiệp của chúng ta chỉ tạm thời thiếu nhận thức và thiếu hướng dẫn cho người nông dân, và còn thiếu thị trường cho sản phẩm. 3 cái thiếu này để lại rất nhiều hệ luỵ, nhất là cho sản phẩm xuất khẩu.

‘Người gác cổng’ cho nông sản Việt đi những thị trường khó tính nhất thế giới và ‘chấp niệm’ người Việt phải được ăn sạch - Ảnh 9.

Về phía chúng tôi, phải nói rằng, Hoàn Vũ không chỉ kiểm nghiệm sản phẩm Việt Nam mà còn đại diện cho cả người mua nước ngoài. Các doanh nghiệp này tin tưởng hoàn toàn vào năng lực của Hoàn Vũ, chỉ cần Hoàn Vũ xác nhận mẫu thử xong, là họ bốc hàng đi luôn.

Khi khâu quản lý chất lượng không ổn, nếu qua bên kia họ kiểm tra lại mà có vấn đề, thì rất là nhức đầu. Các doanh nghiệp lớn, họ chỉ muốn được việc, chứ không phải họ khó khăn gì với hàng Việt Nam cả. Họ đơn giản là người cần mua hàng, hàng đó phải đảm bảo chất lượng, đúng quy chuẩn.

Vì thế, doanh nghiệp xuất cảng, nông dân và người ‘gác cổng’ như Hoàn Vũ phải bắt tay nhau. Không canh tác đúng thì tạp chất dễ nhiễm lắm.

Những doanh nghiệp đã hợp tác với chúng tôi, đều là những người làm rất kỹ, quản lý nông trại theo tiêu chuẩn. Bản thân chúng tôi cũng không bao giờ vì bất cứ lý do gì cho phép đơn hàng kém chất lượng vào thị trường châu Âu. Nên doanh nghiệp phải làm đúng, làm sạch trước đã, thì Hoàn Vũ mới có thể hỗ trợ được.

Như ông cũng đã chia sẻ, xuất phát điểm ban đầu khi thành lập Hoàn Vũ, là ông muốn người dân Việt Nam được ăn sạch, tiêu thụ sản phẩm sạch. Ông và các cộng sự đang hiện thực hoá điều đó ra sao?

Hoàn Vũ hiện đang nghiên cứu thuốc bảo vệ thực phẩm sinh học. Chúng tôi hy vọng có một câu trả lời sớm cho một vài loại rau ăn lá mà người Việt mình đang ăn rất nhiều. Cùng với đó là nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Một số người mua hoa quả đem từ Nam ra Bắc thôi mà cũng bị hỏng hết. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các giải pháp để giải quyết được vấn đề này.

Tất nhiên, có một sự thật là giải pháp an toàn thường rất khó cạnh tranh với các hóa chất Trung Quốc. Để triển khai sản xuất các sản phẩm an toàn mà lại cạnh tranh được với sản phẩm hóa chất thì câu chuyện là rất rất khó.

Nhiều người cứ hỏi tôi, anh có cách nào dễ mà nhận biết được mật ong sạch, rau sạch hay không. Thì câu trả lời là không có, không nhận dạng được (cười).

Muốn coi nó an toàn hay không thì mình phải kiểm thử, nhưng không lẽ ăn gì cũng mang đi thử? Vậy thì chỉ có cách là việc nuôi trồng là phải an toàn ngay từ đầu.

‘Người gác cổng’ cho nông sản Việt đi những thị trường khó tính nhất thế giới và ‘chấp niệm’ người Việt phải được ăn sạch - Ảnh 10.

Rất may mắn là chúng tôi có nhóm nghiên cứu chuyên sâu, tính học thuật cao, các thành viên đều du học từ nước ngoài. Điểm lợi thứ hai là chúng tôi có trang thiết bị hiện đại.

Đó là một trong những việc mà tôi từ trước đến nay đều âm thầm làm. Thường là không có nói, nói lên cũng rất ít người hỗ trợ được, vì cũng tốn khá nhiều tiền, tôi chỉ mời bạn bè làm chung với mình thôi. Tại thời điểm này chưa có gì bảo đảm được dự án này thành công cả. Nhưng tôi nghĩ đây là chuyện cần thiết, cho chính chấp niệm của bản thân mình, nên tôi làm.

Cảm ơn chia sẻ của ông!

(Theo CafeF/ Nhịp sống thị trường)