Tối 21/6, tại Hà Nội diễn ra Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII – năm 2022. Dự lễ trao giải có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh...
Đại diện ban tổ chức cho biết, năm 2022 có 157 tác phẩm báo chí vào vòng chung khảo, trong đó có những tác phẩm tập trung vào quá trình chuyển đổi số; những nỗ lực của các cấp ngành, địa phương trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; tuyên truyền về công cuộc chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Hội đồng Giải báo chí quốc gia đã lựa chọn được: 8 giải A, 24 giải B, 46 giải C và một số giải khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII-2022.
Các tác phẩm đoạt giải A gồm 'Yêu cầu mới về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ' của Báo Nhân Dân; 'Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp uỷ làm căn cứ để đánh giá và rà soát sàng lọc cán bộ' của Tạp chí Cộng sản; 'Ngày gặp lại' của Đài truyền hình TP.HCM; 'Bẫy' của Đài Truyền hình Việt Nam; "Vượt qua cơn binh lửa" của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Bùi Nguyễn Quang Dũng, Vũ Hải Đăng - Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam; "Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương" của nhóm tác giả Bùi Thị Thu Hương (Lan Hương), Bùi Thị Thùy Linh (Thuỳ Linh), Nguyễn Thị Thanh Trang (Thanh Trang), Tạ Thị Ngoãn (Tạ Ngoãn), Nguyễn Thị Thanh Tú (Thanh Tú) - Trung tâm truyền thông Quảng Ninh, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh; "Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế" của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng (Hùng Võ), Phạm Thanh Trà (Thanh Trà), Nguyễn Hoài Nam (Hoài Nam), Hoàng Tiến Đạt (Hoàng Đạt) Báo điện tử VietnamPlus và "Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường" của nhóm tác giả Lê Đức Dục, Nguyễn Đức Bình (Đức Bình), Nguyễn Ngọc Quang (Ngọc Quang) báo Tuổi trẻ TP.HCM.
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhìn nhận, trải qua chặng đường lịch sử 98 năm, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Theo Chủ tịch nước, đội ngũ những người làm báo hôm nay ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực nghề nghiệp, đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, phát huy vai trò xung kích của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, không quản khó khăn, gian khổ tự giác dấn thân, xông pha có mặt tại các tâm điểm của đời sống xã hội, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng đồng thuận xã hội.
Năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức sau đại dịch Covid-19; tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, biến động khó lường, báo chí đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các nhà báo bằng trí tuệ, tâm huyết với đất nước và sự lao động nghiêm túc đã cùng phân tích, luận giải, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.
Đội ngũ những người làm báo đã để lại nhiều dấu ấn, nhanh nhạy hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, sắc bén hơn trong bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số…
“Tôi đánh giá cao các tác phẩm đoạt giải năm nay đã tiếp tục khẳng định tính cách mạng, tính khoa học, sự nhạy bén và sự dấn thân không mệt mỏi của các nhà báo, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Nhiều tác phẩm mang tính phát hiện, tính chiến đấu cao, sắc bén, phản biện mang tính khoa học”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định.
Chủ tịch nước đề nghị cơ quan báo chí và những người làm báo phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân với bạn đọc về sứ mệnh mà mình gánh vác. Người làm báo phải luôn nhận thức sâu sắc, làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng.
Chủ tịch nước cũng đề nghị đội ngũ những người làm báo tiếp tục thể hiện bản lĩnh, dấn thân, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước; bám sát những thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh kịp thời, sinh động những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trước xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng thông tin khác và những biến đổi hành vi tiếp cận thông tin của công chúng, Chủ tịch nước đề nghị giới báo chí đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, cung cấp thông tin chất lượng, tin cậy, thuyết phục trên nền tảng truyền thống và nhất là nền tảng công nghệ số, để đủ sức thu hút, giữ được niềm tin, sự tôn trọng của công chúng.
Thay mặt Hội đồng Giải báo chí quốc gia, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khẳng định các thế hệ nhà báo cách mạng xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, như chính lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
“Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao vai trò, những thành tựu và sự đóng góp to lớn của báo chí trong gần một thế kỷ qua. Thành tựu của nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày hôm nay được xây dựng bằng trí tuệ, công sức và cả xương máu của biết bao thế hệ các nhà báo trong gần 1 thế kỷ”, ông Lê Quốc Minh khẳng định.