Một chiều tháng 4, bà Tùng Tuệ Ngọc (71 tuổi) bước ra khỏi tòa án nhân dân Như Cao (Giang Tô, Trung Quốc), trên môi nở nụ cười nhẹ nhõm, trang Sohu đưa tin.
Cùng ngày hôm đó, dưới sự chứng kiến của thẩm phán, bà Tùng Tuệ Ngọc đã trả nốt số tiền 13.000 tệ (hơn 43 triệu đồng) còn lại cho chủ nợ. Tính đến nay, người phụ nữ 71 tuổi này đã dành trọn 12 năm để trả hơn 600.000 tệ (gần 2 tỷ đồng) thay người con trai quá cố.
Về mặt pháp lý, bà không phải chịu trách nhiệm về khoản nợ này. Tuy nhiên, bà Tùng nói: "Có nợ thì phải trả. Vì con trai đã mất nên tôi sẽ trả nợ thay nó".
Con trai đột ngột qua đời để lại khoản nợ khổng lồ
Bà Tùng Tuệ Ngọc vốn có tuổi hưu trí vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình khi ở nhà trồng trọt tại một ngôi làng thuộc Như Cao, quê hương của bà.
Cuộc sống yên bình bỗng bị phá vỡ bởi một cuộc điện thoại vào tháng 4/2011. Bà Tùng bất ngờ nhận thông báo từ bệnh viện rằng con trai bà bị tai nạn và đang được cấp cứu. Ngay sau đó, tin dữ khác lại đến. Cậu con trai duy nhất của bà qua đời.
Hai vợ chồng già chìm vào nỗi đau mất con chưa nguôi thì một nhóm người đến gõ cửa đòi nợ.
Lúc này bà Tùng mới biết rằng, vài năm trước, con trai điều hành một công ty trang trí nhà cửa. Anh vay nợ để thực hiện một công trình lớn cho đối tác. Sau đó, đối tác hủy hợp đồng và bỏ trốn. Khoản nợ khiến vợ chồng con trai mâu thuẫn và ly hôn. Tổng khoản nợ mà anh để lại là hơn 600.000 tệ (gần 2 tỷ đồng).
Rửa hàng nghìn bát đĩa mỗi ngày để trả nợ cho con
Thương cháu trai 6 tuổi, bà Tùng quyết định gánh trách nhiệm trả nợ cho con trai quá cố.
Chồng bà làm công việc khuân vác trong một nhà máy sản xuất bi thép. Mỗi tháng, ông kiếm được khoảng 2.000 tệ (hơn 6 triệu đồng). Còn bà mỗi ngày đều phải dậy sớm đi rửa bát thuê trong các nhà hàng, quán ăn. Chỉ cần nơi nào thuê là bà sẽ có mặt.
Ngoài rửa bát, bà còn kiêm thêm các việc như nhặt, rửa rau, bưng bê cho khách lúc cần thiết. Bàn tay của bà bị ngâm nước nhiều năm nên dày và đen. Bà chia sẻ, mình phải thường xuyên bôi kem chống nứt nẻ, nếu không sẽ bị sưng vù và đau dữ dội, nhất là vào mùa đông.
"Tôi bắt đầu đi làm vào lúc 8h30 sáng. Sau giờ cao điểm trưa, tôi được nghỉ ngơi 2 tiếng. Lúc 16h, tôi lại tiếp tục công việc bận rộn và tan làm lúc 22h", bà Tùng cho biết.
Mỗi ngày, bà phải rửa hàng nghìn chiếc bát, đĩa. Tiền công rửa bát khoảng 2.000 tệ/tháng (hơn 6 triệu đồng). Đến ngày 11 hàng tháng, bà và chồng gom góp số tiền kiếm được lo trả nợ cho con trai. Bà dành 3.000 tệ để trả nợ, số còn lại để chi tiêu. Việc ăn uống phải tiết kiệm. Bà hầu như không mua quần áo mới.
Mọi chuyện đang đi vào quỹ đạo thì chồng bà bị tai nạn và qua đời vào năm 2016. Việc trả nợ càng trở nên khó khăn hơn.
Có người nói với bà rằng, thời hiệu thi hành án dân sự thường là 3 năm. Đã 5 năm trôi qua kể từ ngày con trai mất nên bà không cần trả số nợ còn lại. Tuy vậy, bà Tùng vẫn giữ nguyên tắc "có nợ phải trả".
"Tôi muốn cháu trai thấy được chữ tín của mình. Để khi lớn lên, cháu có thể biết cách sống tốt và đóng góp cho xã hội", bà nói.
Hồi đầu năm, bà quyết định phá ngôi nhà cũ, chuyển lại cho chính quyền để nhận 450.000 tệ (gần 1,5 tỷ đồng) tiền đền bù theo chính sách. Bà mang toàn bộ số tiền đi trả nợ.
Ngôi nhà cũ đã tháo dỡ của bà giờ là khu đất bỏ trống. Bà tận dụng để trồng rau, ngô khoai, mang ra chợ bán. Hiện bà và cháu trai sinh sống ở ngôi nhà do con trai quá cố mua, là tài sản thừa kế của cháu nội, cách nhà cũ 5km.
Mỗi ngày bà đều dậy từ 4h sáng để lấy rau, mang ra chợ bán. Sau đó, bà đến nhà hàng để rửa bát.
Cuối cùng, sau hơn 10 năm, bà Tùng không những trả được toàn bộ số nợ cho con trai mà còn có thêm khoản chi tiêu, lo cho cuộc sống. Câu chuyện của bà sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận về rất nhiều bình luận. Ai cũng ngưỡng mộ tấm lòng và nghị lực của bà Tùng.
Hành trình trả nợ cho con trai, hết lòng giữ gìn chữ tín của bà là nguồn cảm hứng cho nhiều người.
"Trả hết nợ giúp con, tôi cảm thấy rất thanh thản. Tôi cũng muốn cháu trai nhìn thấy, là người phải giữ chữ tín", bà Tùng Tuệ Ngọc nói.