Theo trang Sohu, 14 năm trước, trong khi ai nấy đều đang hối hả trở về quê trong dịp lễ hội mùa xuân, hình ảnh một người phụ nữ như "cõng cả thế giới” trên lưng đã thu hút sự chú ý của phóng viên Chu Khả. Người phụ nữ đó tay phải ôm đứa con sơ sinh, tay trái xách balo, sau lưng cõng một chiếc bao tải khổng lồ.
Khi Chu Khả nhìn thấy cảnh tượng này, anh rất kinh ngạc, vội chụp ngay và đặt tên cho bức ảnh là “Con, mẹ đưa con về nhà”.
Nhờ bức ảnh này, Chu Khả đã đạt giải Vàng trong cuộc thi về nhiếp ảnh. Nhiều người tò mò người phụ nữ này là ai, hoàn cảnh của cô ấy như thế nào. Trước những thắc mắc của dư luận, Chu Khả không biết trả lời như thế nào. Sau đó, anh quyết định tìm cho ra người phụ nữ này để giải đáp những thắc mắc của mình và mọi người.
Cuộc tìm kiếm này kéo dài tới 11 năm, phải đến trước tết Nguyên Đán năm 2021, Chu Khả mới gặp lại người mẹ từng gây xôn xao dư luận.
Đứa trẻ trên tay đã qua đời
Trước khi phóng viên tìm được người mẹ này, cô không biết bản thân nổi tiếng. Khi nhắc tới đứa trẻ trên tay, nước mắt cô tuôn rơi.
Tên của cô là Ba Mộc Ngọc Bố Mộc, người dân tộc sống ở huyện Việt Tây, thuộc Châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Thời điểm Chu Khả chụp ảnh, cô 21 tuổi. Dù trải qua thời gian dài, năm tháng để lại dấu vết trên khuôn mặt nhưng ánh mắt kiên định của cô vẫn không thay đổi.
Ba Mộc sinh ra trong một gia đình có 5 người con. Cô chưa từng được đến trường, không biết chữ. Cũng như bao người con gái ở đây, cuộc sống của cô quanh quẩn với việc chăn gia súc, cắt cỏ trên núi. Đến tuổi lập gia đình, bố mẹ tìm cho cô một tấm chồng.
Năm 18 tuổi, Ba Mộc lấy chồng, vẫn sống trong cảnh nhà dột nát, mỗi ngày đối mặt với cảnh làm sao để có một bữa no. Con cái rất quan trọng với người dân quê cô. Dù có thiếu ăn thiếu mặc, họ vẫn muốn sinh con. Hình ảnh cô bế con trên tay là lúc 2 vợ chồng đã có 2 con. Họ quyết định rời núi để tới nơi khác làm việc.
Hai vợ chồng đưa đứa con gái mới sinh vào thành phố tìm việc, còn đứa đầu nhờ bố mẹ chồng chăm sóc. Vì không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông, cả hai rất khó tìm được việc làm. Sau đó, họ được giới thiệu tới nhà máy gạch ở Nam Xương.
Cô thường đưa con tới nơi làm việc, đặt con bên cạnh và chỉ cho bú khi con đói. Sau đó, con gái cô bị ốm nặng. Họ đưa con tới bệnh viện, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên cô quyết định đưa con gái về nhà trước, còn chồng sẽ làm thêm vài ngày rồi về sau.
Hành lý của cô chất đầy quần áo và đồ dùng của con gái. Phải mất mấy ngày mấy đêm mới về tới quê, sau đó cô vội vàng tìm nơi khám bệnh cho con gái. Vì bệnh tình quá nặng nên con gái cô đã qua đời. Điều đó trở thành nỗi đau lớn nhất trong lòng cô.
Vượt qua nỗi đau
Trong lòng Ba Mộc Ngọc Bố Mộc luôn day dứt vì sự chậm trễ của mình mà dẫn tới cái chết của con gái. Cô ghét chính mình vì đã không phát hiện sớm bệnh tình của con. Cái chết của con gái là cú sốc rất lớn đối với cô. Cô luôn nghĩ tới hình ảnh của đứa con đã mất.
Một ngày kia, câu nói của đứa con đầu đã khiến cô thức tỉnh. "Mẹ ơi, ôm con đi, mẹ đừng buồn nữa". Nghe con nói, cô chợt nhận ra mình vẫn còn một đứa con. Nếu bản thân cứ đắm chìm trong buồn đau, con mình sẽ sống ra sao? Mẹ chồng cũng khuyên: “Không sao đâu, con còn trẻ, còn sinh được nhiều con”.
Không lâu sau, cô có thai nhưng đứa trẻ qua đời chỉ sau vài ngày được sinh ra. Cô tự nhốt mình, luôn tự hỏi bản thân đã làm gì khiến trời trừng phạt như vậy, chẳng nhẽ bản thân cô không xứng đáng được làm mẹ nữa sao?
Cô suy sụp tinh thần tới mức có ý định tự tử, nhưng những lúc như vậy cô lại nghĩ tới đứa con gái lớn của mình. Cái nghèo khổ bủa vây càng khiến cô bế tắc và bất lực. Cô không thể tiếp tục chịu đựng tình cảnh này nên nói với chồng muốn lên thành phố tìm việc.
Lúc này, địa phương nơi cô sống có chính sách xóa đói giảm nghèo. Cán bộ tới giải thích cho người dân hiểu họ có thể kiếm tiền tại chính quê nhà của mình. Tin tức này khiến cô tìm thấy một tia hy vọng. Thế là 2 vợ chồng cô tới ủy ban thôn học kiến thức trồng cây thuốc lá.
Trong năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm nên họ chỉ kiếm được 5.000 Nhân dân tệ. Dẫu vậy đây vẫn là số tiền lớn đối với họ. Năm sau, vợ chồng cô cố gắng và lần này thu nhập của họ tăng gấp đôi.
'Chúng ta sẽ ngày càng tốt hơn'
Nghề trồng cây thuốc lá vất vả nhưng cô cảm thấy rất vui. Lúc này, cô phát hiện mình có thai và sinh được một người con trai khỏe mạnh. Những năm sau đó, cô lần lượt sinh thêm 2 đứa con, cuộc sống gia đình ngày càng sung túc.
Năm 2018, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, vợ chồng cô đã dùng tiền tiết kiệm và trợ cấp của chính phủ để xây nhà. Hai vợ chồng cô đã có thể sống trong một ngôi nhà khang trang với 3 phòng ngủ, có cả phòng khách. Gia đình cũng không còn phải lo từng bữa ăn như trước đây.
Cuộc sống được cải thiện đáng kể, cô mong những đứa con của mình có thể đến trường để học hỏi kiến thức. Cô tin rằng, đối với trẻ em vùng núi, học tập là con đường duy nhất để thoát nghèo.
Năm 2020, thu nhập của gia đình cô đã tăng từ 5.000 lên 100.000 Nhân dân tệ, thành công thoát nghèo. Đây là điều cô chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Vợ chồng cô không muốn trồng mỗi thuốc lá, họ làm thêm nhiều việc khác với mong muốn các con mình có thể vào đại học.
Khi phóng viên Chu Khả tìm thấy Ba Mộc Ngọc Bố Mộc năm 2021, cô đã nói một câu khiến mọi người không thể quên: “Theo thời gian, chúng ta sẽ ngày càng tốt hơn”.
Dịp lễ hội mùa xuân năm 2023, cô và chồng từ Thâm Quyến trở về quê hương. Hiện, các con của cô đều đang khôn lớn, 3 gái và 1 trai. Đây chính là niềm hy vọng lớn nhất của cô. Bên cạnh đó, cô vẫn luôn nhớ tới 2 đứa con xấu số của mình trước đây.
Cuối cùng, câu nói “đau khổ là điều tất yếu trong cuộc sống” của cô khiến mọi người càng thêm thán phục nghị lực sống của người phụ nữ này.