Hôm đó là ngày đầu tháng 12 năm 2015.
Sau giây phút sững sờ, Lữ Thiên Mai biết rằng người vừa chuyển tiền chính là con trai nuôi. Khi nhắc đến chàng trai này, bà lại nhớ đến quá khứ đau buồn. Nhưng cũng nhờ quá khứ ấy, bà mới có duyên gặp con.
Người đàn ông bội bạc
Hơn 22 năm trước, vợ chồng Lữ Thiên Mai là những người kinh doanh ngọc bích giàu có ở Dương Châu (Giang Tô, Trung Quốc). Tuy nhiên, vào ngày 19/3/2000, Chu Bân - chồng của Thiên Mai đã mang toàn bộ tài sản đi theo nhân tình, để lại cho Thiên Mai con gái nhỏ và một khoản nợ khổng lồ.
Người phụ nữ chưa hết sốc thì một chuyện bất ngờ khác lại ập đến. Cảnh sát nói, Chu Bân đã nhảy cầu và chết. Họ yêu cầu bà đến nhận dạng thi thể!
Thiên Mai nhớ rõ hôm đó là ngày 3/5/2000 - đúng 55 ngày kể từ hôm Chu Bân bỏ đi. Hóa ra, sau khi chuyển hết tiền cho nhân tình, Chu Bân đã bị người đàn bà đó vứt bỏ. Cô ta trốn sang nước ngoài cùng người đàn ông khác khiến Chu Bân rơi vào cảnh bần cùng, không dám về gặp vợ con.
Để có tiền trả khoản nợ lớn mà chồng để lại, Thiên Mai bán hết nhà cửa, xe cộ… rồi dắt con gái nhỏ đi thuê một căn nhà cũ. Bà cũng mua một chiếc máy khâu cũ và kiếm sống bằng cách may quần áo.
Cậu bé mồ côi
Một ngày tháng 10/2000, Thiên Mai ra chợ mua rau. Trên đường về nhà thì gặp trời mưa, bà chạy vào một gara xin trú. Trong gara, một cậu bé chừng 14, 15 tuổi đang ngồi một mình. Hỏi ra, Thiên Mai mới biết, cậu bé là Lưu Viễn Nghị. Bố mẹ của Lưu Viễn Nghị đã mất trong một vụ tai nạn.
Cậu bé được chú đón về nuôi. Nhưng vợ của chú thấy cậu là một gánh nặng. Vì vậy, sau khi Viễn Nghị trúng tuyển vào trường cấp 3 Dương Châu, người chú đã đóng học phí và thuê cho Viễn Nghị một chiếc gara, để cậu sống ở đây một mình.
Lưu Thiên Mai chợt thấy xót xa cho cậu bé. Hôm đó về nhà, sau khi nấu bữa trưa cho con gái, bà dành một nửa phần ăn mang đến cho Lưu Viễn Nghị. Cậu bé nhận bát cơm từ tay người phụ nữ lạ mà nước mắt lưng tròng. Bởi đã lâu lắm rồi không có ai quan tâm đến cậu như vậy.
Một ngày nọ, Lưu Viễn Nghị đến nhà và ngần ngừ đưa cho Thiên Mai một tờ giấy. Bên trong cậu viết: “Dì Lưu, ngày mai có họp phụ huynh ở trường, nếu rảnh dì có thể giúp con tham dự được không? Con không muốn các bạn cùng lớp biết rằng con không có cha mẹ. Xin lỗi, cảm ơn dì”.
Nhìn ánh mắt cầu cứu của Lưu Viễn Nghị, Thiên Mai không nỡ từ chối. Hôm họp phụ huynh, giáo viên khen Viễn Nghị là một học sinh xuất sắc, chỉ riêng môn tiếng Anh là có phần kém hơn.
Sẵn có vốn tiếng Anh tốt, về nhà, Thiên Mai đề nghị kèm thêm cho cậu môn học đó.
Cuối năm 2001, Lưu Viễn Nghị khoe, chú của cậu sẽ đón cậu về ăn Tết với gia đình. Nhưng khi cái Tết đã cận kề, Lưu Viễn Nghị vẫn lủi thủi ở gara. Hóa ra, vợ của chú cho rằng, Lưu Viễn Nghị là kẻ xui xẻo nên mới khiến cha mẹ chết thảm. Vì vậy, bà không muốn Viễn Nghị xuất hiện trong gia đình vào dịp năm mới. Người chú đành cho cậu 200 tệ và bảo cậu tự đón Tết một mình.
Thiên Mai nghe xong thấy thương cậu bé vô cùng. Bà lập tức đón Lưu Viễn Nghị về ăn Tết cùng hai mẹ con. Trong bữa tối đoàn viên chờ năm mới, Lưu Viễn Nghị đứng lên với ly rượu trên tay và nói với Thiên Mai: “Dì à, cảm ơn dì đã chăm sóc con trong thời gian này, khiến con, một đứa trẻ mất mẹ lại cảm nhận được hơi ấm của mẹ. Dì giống mẹ của con, con có thể gọi dì là mẹ được không?”.
Lưu Thiên Mai mỉm cười: “Trong lòng ta, từ lâu đã coi con như con trai của ta. Ta tự hào vì có một người con xuất sắc như con!". Chu Đình, con gái của Thiên Mai cũng mừng rỡ reo lên khi biết mình sẽ có một anh trai.
Khoảnh khắc ấy, Lưu Viên Nghị đã bật khóc vì hạnh phúc.
Tấm lòng của mẹ, sự hiếu thảo của con
Khi Lưu Viễn Nghị học năm thứ ba trung học, để tạo cho con trai một môi trường học tập thoải mái, Thiên Mai đã dọn căn phòng lớn nhất trong nhà cho cậu ở. Bà cũng chăm sóc Lưu Viễn Nghị không khác gì con ruột của mình.
Để có tiền nuôi hai con, Thiên Mai vừa làm may, vừa nhận công việc kế toán. Cũng may Lưu Viễn Nghị rất ngoan và có ý chí. Anh đỗ vào Đại học Chiết Giang, sau đó lại nhận được học bổng làm nghiên cứu sinh chuyên nghành kinh tế ở Viện Đại học Cambridge, Anh.
Tại Anh, Lưu Viễn Nghị ra sức học hành. Khi đã hoàn thành chương trình học, anh thành công bước vào một công ty lớn với tư cách là giám đốc dự án. Tháng 6/2011, Lưu Viễn Nghị trở thành đồng sáng lập công ty quản lý tài sản với một nhà đầu tư hùng mạnh người Anh, sở hữu 15% cổ phần của công ty.
Trong vòng chưa đầy hai năm, Lưu Viễn Nghị đã tích lũy được khối tài sản hàng triệu đô la và có bạn gái ở Singapore.
Anh muốn đưa mẹ nuôi và em gái đến Anh sinh sống. Nhưng Thiên Mai không muốn rời Trung Quốc. Vì vậy, Lưu Viễn Nghị đành phải từ bỏ ý định.
Tuy nhiên, vài ngày trước khi Chu Đình kết hôn, một khoản tiền lớn - 15,3 triệu tệ đã được gửi vào tài khoản ngân hàng của Thiên Mai. Sau đó là cuộc điện thoại gọi đến của Lưu Viễn Nghị.
Anh dặn mẹ đổi nhà mới và mua một căn nhà cho em gái Chu Đình, số tiền còn lại sẽ được dùng cho việc nghỉ hưu của mẹ. Thiên Mai từ chối nhưng không được. Cuối cùng, bà nhận số tiền và lên một kế hoạch lớn trong đầu.
Thiên Mai không mua nhà mà chỉ thuê một căn nhà có diện tích lớn hơn. Sau đó, bà dùng hơn 10 triệu tệ quay lại kinh doanh ngọc bích. Khi việc làm ăn có kết quả tốt bà đã thành lập quỹ tình yêu, trợ cấp cho những trẻ em nghèo có nguyện vọng học tập hoặc khởi nghiệp.
Cách đây không lâu, một phóng viên đã hỏi Thiên Mai: “Tại sao bà vẫn đi thuê nhà? Tại sao không mua một ngôi nhà lớn và sống một cuộc sống thật thoải mái?”.
Thiên Mai rưng rưng nước mắt: “Tôi đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, có nhà, có xe và có rất nhiều của cải, nhưng cuối cùng tất cả đều tan thành theo mây khói. Cảm giác đau đớn như xé da thịt lúc mất tất cả khiến tôi nhận ra rằng tốt hơn hết là nên dành sự giàu có cho tình yêu thương và giúp đỡ những trẻ em đang bị cái nghèo bủa vây, không thể vươn lên trong cuộc sống.
Điều này khiến tôi cảm thấy ý nghĩa và hạnh phúc hơn".
Linh Giang (Theo 163)