Bệnh nhân Đ.T.M (68 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh) phát hiện ung thư vú phải năm 2014. Bà đã được cắt bỏ tuyến vú, nạo vét hạch bạch huyết phía nách phải. Sau khoảng 2- 3 tháng, cánh tay bên phải ngày một sưng nề, to dần. Khi đến thăm khám tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), tay phải của người phụ nữ này đã to gấp đôi tay còn lại. Người bệnh được chẩn đoán mắc biến chứng sau điều trị ung thư, gọi là phù bạch mạch (phù tay voi).
BS Trần Thị Hòa Bình – Khoa Hóa trị can thiệp và chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, cho biết, sau điều trị ung thư vú, có khoảng 15- 20% người bệnh bị phù cánh tay.
Phẫu thuật cắt bỏ hay xạ trị vào vùng nách nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư vú ác tính nhưng lại khiến cho hệ thống bạch mạch và hạch bạch huyết bị tổn thương, tắc nghẽn. Lượng bạch huyết vốn dĩ được lưu thông tuần hoàn, nay bị chặn lại, dẫn đến tình trạng ứ đọng vào các kẽ mô xung quanh gây phù nề.
Triệu chứng phổ biến nhất của phù tay là sưng dần ở một hoặc cả hai cánh tay từ bả vai đến các ngón tay. Người bệnh bị đau, nhức, nặng nề cánh tay, hạn chế vận động, gây khó khăn trong sinh hoạt và giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Người bệnh có thể sẽ phải sống chung suốt đời nếu can thiệp muộn.
Điều trị phù tay nên phối hợp nhiều biện pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất và nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Một số biện pháp điều trị phù tay: Chăm sóc da, tập thể dục, băng ép bằng găng tay hoặc gạc quấn, phẫu thuật…
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa phù bạch mạch là tầm soát để phát hiện ung thư sớm. Khi đó có thể sẽ giảm được các can thiệp ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết như nạo vét hạch, xạ trị. Đồng thời người bệnh sau mổ ung thư vú cần được khám và theo dõi định kỳ.
Trường hợp có biểu hiện của phù bạch mạch, bệnh nhân nên điều trị sớm kết quả sẽ tốt hơn. Khi phù tay đã xuất hiện, chúng ta thường không thể điều trị hết phù hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát, không cho nó tiến triển nặng hơn, giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa viêm nhiễm.