Suốt 10 năm qua, sau khi hoàn thành công việc và chăm lo cho gia đình, chị Phạm Quỳnh Trang (ngụ tại quận 3, TP. HCM) lại tranh thủ các buổi tối, ngày lễ để làm công tác thiện nguyện. Có những lần được gọi điện giữa đêm khuya, dù sợ bóng tối, chị vẫn không nỡ bỏ rơi hoàn cảnh khó khăn.
Chị Trang bộc bạch, trước khi đứng ra làm cầu nối giúp các bệnh nhân nghèo, chị thường ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn được báo chí đăng tải. Cách đây hơn 10 năm, con trai chị bị sốt xuất huyết nặng tưởng chừng không qua khỏi, may mắn con đã chiến thắng bệnh tật.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian cùng con chiến đấu với tử thần, chị bắt gặp những em bé bất hạnh. Có đứa trẻ lúc nhập viện trông còn nhanh nhẹn hơn con trai chị nhưng tuổi đời quá đỗi ngắn ngủi. Hình ảnh người cha quấn chăn bông đưa con về khiến chị nao lòng. Hay cậu bé nằm kế bên giường con trai chị, do bệnh quá nặng mà cha và bà nội phải thay phiên nhau bóp bóng cấp cứu liên tục. Thậm chí còn không kịp xếp hàng xin cơm từ thiện, vậy mà vẫn họ không cứu được con.
“Từ những con người thực mà tôi tiếp xúc trong thời gian con nằm viện, tôi bỗng ngộ ra, ngay tại thành phố mình đang sống vẫn có những người bất hạnh vô cùng. Vì vậy, tôi bắt đầu tìm hiểu và giúp đỡ”, chị Trang tâm sự.
Trong số hàng nghìn người từng được chị gieo duyên, cô bé Cẩm chạy thận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 khiến chị thương vô cùng. Có lẽ bởi con là bệnh nhi chạy thận đầu tiên mà chị giúp đỡ, thêm nữa, con thiếu vắng bàn tay chăm sóc, yêu thương của mẹ, khiến bản năng làm mẹ của chị lại được khơi dậy. Đêm bé Cẩm mất, chị cảm nhận như mình vừa mất đi một đứa con. Sau khi hỗ trợ ba bé chi phí để đưa con về quê, chị tiếp tục kêu gọi giúp gia đình lo hậu sự cho con.
Hay như hoàn cảnh của cô bé ở xóm trọ gần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trái tim chị Trang như bị bóp nghẹn. Đứa trẻ nhỏ hơn con gái chị 1 tuổi, quê ở Đồng Tháp, bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng và được bà nội nuôi lớn. Thế nhưng, nội con bị rất nhiều bệnh hiểm nghèo. Người trong xóm trọ nói với chị, đã 2 lần con trốn bà nội đi kiếm người mua thận, mong có tiền cho nội chữa bệnh, thật xót xa.
“Tôi không phân biệt đối tượng. Có khi là bệnh nhân đang điều trị, cũng có người đã bị bệnh viện trả về, hoặc là một hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đôi khi không chỉ là giúp về vật chất, tôi cũng cố gắng động viên, chia sẻ với họ về kiếp người mong manh, tạm bợ để họ an tâm ra đi”, chị chia sẻ.
Từ thiện là một công việc nhạy cảm, vì vậy chị Trang tự đề ra nguyên tắc cho bản thân. Thứ nhất là phải rõ ràng, công khai minh bạch mọi thu chi. Thứ hai là phải tìm hiểu xác minh để giúp đúng người, đúng thời điểm. Bởi vậy, dù chỉ hoạt động độc lập nhưng có rất nhiều nhà hảo tâm đã đồng hành cùng chị trong thời gian dài.
Đến nay, chị Trang đã tổ chức 2 chương trình từ thiện định kỳ hằng tháng; hỗ trợ khoảng 40-60 suất gạo, nhu yếu phẩm và phí sinh hoạt cho các gia đình lao động nghèo bán vé số, nhặt ve chai, xóm trọ bệnh nhân ung bướu. Thêm nữa là hỗ trợ chi phí cho khoảng 100 bệnh nhi nghèo chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Trong quá trình kêu gọi từ thiện, đôi khi chị gặp hoàn cảnh thương tâm nhưng chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ sẽ giới thiệu đến Báo VietNamNet. Hoặc có khi bắt gặp hoàn cảnh tội nghiệp do VietNamNet đăng tải, chị Trang cũng sẽ liên hệ, ngỏ ý kết nối, gieo duyên lành.
Trong 10 năm qua, chị cũng gặp những khó khăn, chướng ngại nhưng chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Từ những trải nghiệm mà bản thân và gia đình đã gặp phải, chị Trang muốn được làm người lắng nghe và chia sẻ.
“Tôi tự thấy sức mình làm cũng không tới đâu, nhưng xoa dịu được cho người nào thì mình cứ làm”, người phụ nữ tốt bụng bày tỏ. Mong sao trong cuộc đời sẽ có ngày càng nhiều người như chị Trang, để những số phận bất hạnh được an ủi, động viên, tiếp thêm sức mạnh vượt qua nghịch cảnh.