Bệnh nhân là chị N.T.T.H. (38 tuổi, Phú Thọ). Sau khi được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn, chị được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để sử dụng huyết thanh kháng nọc điều trị đặc hiệu.
Thời điểm được tiếp nhận tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, người bệnh hạn chế vận động, vết cắn ở ngón chân phải chảy máu, quanh vết cắn tím, chân sưng nề, tấy đỏ, đau nhức nhiều kèm theo xuất huyết dưới niêm mạc da nhiều vị trí. Kết quả xét nghiệm có dấu hiệu của tình trạng rối loạn đông máu.
Ngay khi phát hiện chị H. bị rắn cắn, gia đình đã nhanh chóng chụp lại ảnh con rắn. Từ hình ảnh này, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị rắn lục đuôi đỏ cắn giờ thứ 3; lập tức đưa ra phác đồ chống độc đặc hiệu.
Tổng cộng có 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục được sử dụng để kháng độc kết hợp kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng, truyền dịch, truyền chế phẩm máu,…
Sau 24 giờ tích cực cấp cứu theo phác đồ đặc hiệu, tình trạng toàn thân và rối loạn đông máu của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, vùng chân phải bớt sưng nề. Bệnh nhân xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Theo các bác sĩ, mùa mưa là thời gian sinh sôi phát triển của nhiều loài rắn độc, số lượng người phải nhập viện do rắn cắn gia tăng.
Rắn lục đuôi đỏ thuộc họ rắn lục nhưng có nhiều nọc độc hơn rắn lục thường. Bác sĩ Khổng Thị Bích Phương, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết chỉ vài phút sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người bệnh sẽ biểu hiện sưng nề lan nhanh và có thể chảy máu không cầm nơi bị cắn. Sau khoảng 6 giờ, phần sưng nề có thể lan rộng đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, tím tái, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ…
Trong quá trình sơ cứu khi bị rắn lục cắn, bác sĩ lưu ý:
- Không được chích, rạch vết cắn để ép nọc độc ra ngoài vì sẽ làm người bệnh chảy máu không cầm, dẫn đến mất máu cấp tính, đe dọa đến tính mạng; không tự hút lấy nọc độc.
- Không đắp lá lên vết rắn cắn để tránh nhiễm khuẩn.
- Không được băng ép vết thương vì sẽ làm nặng thêm vết thương và có thể gia tăng nguy cơ xâm nhập nọc độc và trong máu của người bệnh.
- Không nên garo vùng cơ thể bị cắn bằng dây cao su vì đây là phương pháp gây tắc nghẽn hoàn toàn lưu thông của dòng máu, nếu garo quá lâu có thể gây ra thiếu máu dẫn đến hoại tử và cắt cụt chi.
- Không cho bệnh nhân uống rượu hoặc các chất kích thích để giảm đau.
- Cố gắng ghi nhớ hình dạng của con vật để mô tả cho bác sĩ.
- Nếu con rắn đã chết, cần mang đến cơ sở y tế để bác sĩ có thể sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn lục của từng loài.