Nếu chồng không cho cũng sẽ đi
Gần 2 tuần sau chuyến xe vượt hơn 300km từ Bình Định đến Đắk Lắk hiến máu hiếm cứu người, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (29 tuổi, tỉnh Bình Định) nhận được điện thoại của con trai người nhận máu. Anh ta cảm ơn chị Thảo và chia sẻ cha mình vừa phẫu thuật thành công.
Nghe tin này, chị Thảo thấy nhẹ lòng hơn hẳn, không còn bồn chồn lo lắng. Kể từ hôm hiến máu (ngày 6/9), dù trở lại cuộc sống thường nhật nhưng chị vẫn thường gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe của người nhận máu.
Trước đó, chị Thảo nhìn thấy bài viết của anh Võ Duy Quý (26 tuổi, Đắk Lắk) trên mạng xã hội, khẩn cầu xin mọi người hiến máu cứu cha. Anh Quý nêu rõ cha mình có nhóm máu hiếm B Rh-, cần truyền máu để làm phẫu thuật.
“Tôi chủ động liên hệ với anh Quý để nắm bắt tình hình của bệnh nhân. Anh Quý nói khi nào cần máu cho ca phẫu thuật của cha thì tôi có sẵn lòng hiến máu không. Tôi không cần suy nghĩ mà đồng ý ngay. Từ hôm đó, tôi cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị thật tốt tâm lý”, chị Thảo nhớ lại.
Đến trưa ngày 5/9, chị Thảo nhận được điện thoại của anh Quý. Anh này nói với chị rằng sáng ngày 6/9, cha mình phải phẫu thuật nên đang rất cần người hiến máu.
Anh Quý e ngại hỏi chị Thảo có thể đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) hiến máu hay không. Không chút đắn đo, chị bảo sẽ sắp xếp công việc và đến bệnh viện sớm nhất có thể.
Lúc đó, tình hình quá cấp bách nên chị Thảo không kịp hỏi ý kiến của chồng. Thế nhưng, chị tự nhủ không nên báo cho chồng biết, sợ anh lo cho vợ rồi không cho đi xa.
“Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, tôi mới gọi, nhờ chồng về trông con phụ mẹ chồng. Anh khá bất ngờ khi tôi nói: “Anh ơi, bây giờ người bệnh cần em đến gấp, em đặt xe hết rồi. Nếu anh có la thì em cũng phải đi. Vì vậy, anh tranh thủ làm việc nhanh rồi về với con nha”. Chồng có bày tỏ sự lo lắng khi tôi đi xa một mình trong đêm khuya. Thế nhưng, tôi nói anh cứ yên tâm, cứu người mới quan trọng”, chị Thảo chia sẻ.
Sắp xếp việc nhà ổn thỏa, chị Thảo cho hai con ngủ rồi nhờ mẹ chồng trông con. 12h đêm, chị lên xe khách, vượt hơn 300km từ Bình Định đến Đắk Lắk hiến máu.
Vốn dĩ, chị Thảo bị say xe. Cho nên khi đi một quãng đường xa, chị khá lo lắng. Thế nhưng, đêm hôm đó, chị lại không bị say xe, tinh thần luôn thoải mái.
“Người hiến máu cần giữ huyết áp, sức khỏe ổn định. Thế nên, tôi luôn bình tĩnh, chứ không lại mất công đi xa mà không giúp được người cần”, chị Thảo cho biết.
6h30 ngày 6/9, chị Thảo đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và được người nhà bệnh nhân đón đến chỗ hiến máu. Chị cẩn thận đến mức không ăn sáng, ngồi chờ đến 8h để xét nghiệm và lấy máu.
Ngay sau đó, chị Thảo đã hiến 250ml máu nhóm B Rh- (nhóm máu rất hiếm-nv) cho cha của anh Quý.
Anh Quý cảm kích: “Khi tôi báo cha phẫu thuật cần máu gấp, chị Thảo đồng ý hiến máu ngay. Ngoài chị Thảo, tôi còn nhờ nhiều anh chị khác như chị Thơm, chị Trang, anh Ngọc, anh Duy… đến hỗ trợ. Trong đó, chị Thảo và anh Duy là hai người lặn lội đường xa đến hiến máu”.
5 lần hiến máu cứu người
Luôn đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân, chị Thảo không cần suy nghĩ khi nhận được đề nghị hiến máu. Người nhà cũng ủng hộ và hỗ trợ để chị yên tâm đi cứu người.
Nhìn vẻ mặt hạnh phúc của gia đình anh Quý, chị Thảo cảm thấy hạnh phúc gấp đôi. Vì vậy, dù khá mệt mỏi và đói nhưng khi người nhà bệnh nhân mời cơm và gửi chút quà, chị vẫn từ chối.
Thế nhưng, trước sự chân thành của gia đình bệnh nhân, chị Thảo đã nhận quà là 500.000 đồng. Số tiền này được chị mang đi hỗ trợ những trường hợp khó khăn khác.
Chỉ một tiếng sau khi hiến máu, chị Thảo lại lên xe trở về nhà với nỗi lo các con đang trông ngóng.
Đây không phải lần đầu tiên người phụ nữ nhân hậu này hiến máu hiếm cứu người. Tính từ lúc tham gia Câu lạc bộ nhóm máu hiếm tỉnh Bình Định vào năm 2020, chị đã có 5 lần hiến máu.
Đầu tháng 1/2022, chị Thảo cũng hiến máu cho một sản phụ sinh mổ trong đêm. Lúc đó, chị cũng vội vã nhờ mẹ chồng trông con, bắt xe đến bệnh viện hiến máu. Nhận được máu hiếm kịp thời, sản phụ vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông.
Một lần khác, khi nghe tin người phụ nữ 61 tuổi có cùng nhóm máu, phải phẫu thuật do bị tai biến, chị Thảo cũng gửi đứa con lớn cho mẹ chồng, bồng theo con nhỏ đến bệnh viện hiến máu.
Chị Thảo nhớ lại: “Lúc sinh bé đầu tiên, tôi mới biết mình có nhóm máu hiếm. Từ đó, tôi luôn cố gắng giữ gìn sức khỏe, đi lại cẩn thận. Tôi không chỉ giữ cho mình mà còn để giúp mọi người khi cần”.
Mỗi lần hiến máu, chị Thảo lại chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cơ thể nhanh chóng phục hồi, ngủ đủ giấc. Chị ăn những thực phẩm thanh đạm, nhiều vitamin C và uống nhiều nước. Vì vậy, chị chưa bao giờ lo sợ việc hiến máu nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, việc làm ý nghĩa của chị Thảo luôn được gia đình ủng hộ hết lòng. Lần nào chị Thảo đi hiến máu trong đêm, chồng chị cũng lo lắng nhưng không ngăn cản.
“Hiện tại, kinh tế gia đình tôi cũng ổn định. Thế nên, tôi khá thoải mái, sẵn sàng hỗ trợ người cần máu hiếm. Mỗi lần cho đi, tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc”, chị Thảo chia sẻ.