Mới đây, chị N.T.O (27 tuổi, trú tại xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã tử vong sau khi bị sốc phản vệ vì ăn châu chấu rang. Nạn nhân có biểu hiện ngứa, khó thở sau khi ăn một con châu chấu rang. Chị được đưa đến trạm y tế xã cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Nghệ An. Tuy nhiên, nữ bệnh nhân không qua khỏi.
Tháng 4/2023, tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, các bác sĩ cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 7 tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn xôi nấu với trứng kiến. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng ngứa, phù mặt, khó thở. May mắn, các bác sĩ đã cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ kịp thời nên bệnh nhi qua cơn nguy hiểm.
Theo Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng với dị nguyên bao gồm thuốc, thực phẩm, phấn hoa, côn trùng cắn…
Giáo sư Bình cho biết trường hợp điển hình mà ông từng tiếp nhận là một nữ sinh học lớp trú tại Gia Lâm, Hà Nội. Buổi sáng, nữ bệnh nhân ăn cơm rang. 30 phút sau, bệnh nhân có biểu hiện ngứa, phù mi mắt, da đỏ, buồn nôn, tiêu chảy, mệt, tụt huyết áp. Bệnh nhân được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến dưới cấp cứu. Các bác sĩ đã nghi ngờ sốc phản vệ đã tiêm tĩnh mạch adrenalin nhưng triệu chứng không cải thiện. 13 lần tiêm thuốc chống sốc nhưng bệnh nhân liên tục hạ huyết áp. Các bác sĩ đã chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng phù phổi, chi tim tái phải thở máy. Bệnh nhân liên tục được truyền adrenalin. Các bác sĩ đã dùng cho bệnh nhân 450mg thuốc adrenalin bệnh nhân mới thoát khỏi tình trạng sốc.
Khi tỉnh lại, nữ bệnh nhân cho biết buổi sáng, cô ăn cơm rang với nhộng tằm. Đây là lần đầu tiên cô ăn nhộng, thấy ngon nên ăn rất nhiều.
Trường hợp khác là một điều dưỡng tại Thanh Hóa. Sau khi đi chơi, bệnh nhân ăn nhộng ong rang và kết quả sau đó có biểu hiện ngứa, kích thích, mề đay, khó thở, vã mồ hôi. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ do ăn nhộng ong.
Sốc phản vệ là tình trạng rất nguy hiểm. Ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể bị ngứa, mề đay. Trường hợp nặng có thể trụy mạch và tử vong. Bệnh nhân sốc phản vệ phải được cấp cứu rất nhanh vì nếu chậm trễ có thể dẫn đến suy đa tạng, phải lọc máu, tử vong.
Các loại thức ăn dễ gây sốc phản vệ như hải sản, trứng, sữa, côn trùng, nhộng ong, trứng kiến…
Trường hợp bị dị ứng nhẹ cần ngừng ngay thức ăn gây dị ứng, có thể sử dụng kháng histamin để giảm bớt các phản ứng dị ứng, giảm nổi mề đay, phát ban, phù nề và đến viện cấp cứu kịp thời.
Để phòng sốc phản vệ, ông Bình cho biết tốt nhất nên hạn chế ăn các thực phẩm lạ, đặc biệt là người có tiền sử dị ứng. Khi ăn thực phẩm chế biến sẵn, bạn nên tạo thói quen xem kỹ thành phần in trên bao bì để loại trừ những sản phẩm có thể gây dị ứng cho cơ thể. Không ăn thực phấm thiu, mốc vì các bào tử nấm mốc cũng có thể gây phản vệ.