Chị Phạm Thanh Huyền (SN 1992, quê ở Quảng Bình) bắt đầu bán chè Việt ở Úc từ năm 2019 với món đầu tiên là chè thập cẩm (gồm đậu đỏ, đậu xanh, trôi nước, trân châu dừa, dừa khô, dừa tươi nạo sợi).

Đây là món chè truyền thống ở quê nhà mà chị từng thưởng thức nhiều lần và muốn đưa sang trời Tây, phần nào giúp người Việt vơi bớt nỗi nhớ quê.

tiem che Viet.jpg
Chị Huyền mở tiệm bán các món chè Việt ở Úc được hơn 1 năm

Thời gian đầu, chị chủ yếu bán online. Đến tháng 9/2023, chị mở tiệm chè theo hình thức food-truck (mô hình kinh doanh đồ ăn và thức uống trên xe tải) ở Cabramatta – một trong những khu người Việt lớn nhất tại Úc.

Người phụ nữ 32 tuổi cho biết, tiệm chè nằm trong khoảng sân rộng của một nhà dân được chị thuê lại, có không gian thoáng đãng, rộng rãi và thuận tiện cho việc đậu xe.

Xung quanh bài trí nhiều bộ bàn ghế thấp làm chỗ ngồi ăn uống ngoài trời cho thực khách.

Mỗi tuần, tiệm chè mở bán 5 ngày (nghỉ thứ 2 và thứ 5), từ 15h đến 22h với thực đơn thay đổi theo mùa.

Mùa hè, tiệm phục vụ 12 món chè khác nhau như: Chè thập cẩm, chè bưởi, chè Thái sầu riêng, chè dừa non, chè sương sa hạt lựu, chè khúc bạch,… Còn mùa đông, chị bổ sung thêm các món chè nóng, gồm chè trôi tàu và tàu hũ trân châu.

“Hai ngày đầu tuần, thông thường mình bán được khoảng 200 – 300 ly chè các loại. Cuối tuần, lượng khách đông hơn, số lượng có thể tăng lên 400 – 500 ly”, chị Huyền tiết lộ.

Nữ chủ quán thừa nhận, việc nấu và bán chè ở Úc khá vất vả, nhất là khâu tuyển chọn nguyên liệu. Chưa kể, quá trình nhập nguyên liệu vào Úc không đơn giản, chi phí cao mà thời gian xét duyệt lâu nên đôi khi có món bị hỏng, phải bỏ đi.

tiệm chè Việt ở Úc 12.jpg

Thời điểm mới mở bán, chị Huyền chủ yếu chọn nguồn nguyên liệu có sẵn tại Úc và tập trung vào 2 món truyền thống là chè thập cẩm và chè bưởi.

Sau này, khi thực đơn phong phú hơn, người phụ nữ quê Quảng Bình phải nhập thêm một số nguyên liệu từ Việt Nam sang như hạt đác, cùi bưởi, thốt nốt,…

tiệm chè Việt ở Úc 10.jpg

“Món chè thập cẩm có thành phần chính là các loại đậu. Tuy nhiên, đậu ở Úc chủ yếu là đậu nhập khẩu nên không được tươi như đậu Việt Nam. Nếu nấu không đủ thời gian thì đậu khó chín và bùi được.

Hay món chè bưởi yêu cầu nhiều công đoạn chế biến phức tạp, nhất là khâu xử lý cùi bưởi. Thời gian đầu mới tập nấu món này, mình phải đi gom bưởi chua ở trên cây, sau đó đem về cắt lấy vỏ và sơ chế sao cho hết vị đắng. Có lúc, mình phải canh đến mùa bưởi để chạy đi gom các nhà có cây bưởi chua, mua về mấy tạ trái rồi ngồi xử lý.

Sau này khi tìm được mối nhập cùi bưởi ở Việt Nam sang, mình tiết kiệm được công sức và thời gian hơn”, chị kể.

tiệm chè Việt ở Úc 4.jpg
Tiệm phục vụ các loại nước cốt dừa khác nhau cho từng loại chè

Người phụ nữ Việt cũng tiết lộ, nước cốt dừa được xem như “linh hồn” của nhiều món chè Việt, nhất là chè bưởi.

Tuy nhiên, vì dừa Úc không giống dừa Việt, ít nước nhưng nhiều dầu nên không thể dùng máy móc để thu được nước cốt dừa tươi. Vì vậy, chị phải dùng nước cốt dừa có sẵn ở Úc dù chất lượng được đánh giá chỉ đạt khoảng 70-80%.

Chị Huyền cho hay, ngoài khâu tuyển chọn thì việc chế biến nguyên liệu cũng đòi hỏi sự kỳ công để đảm bảo làm ra những mẻ chè ngon chất lượng.

Các món chè Việt được chị chế biến khéo léo, cân bằng giữa hương vị và độ ngọt để làm sao vừa giữ được vị truyền thống, vừa phù hợp với khẩu vị của đa số khách hàng.

462641199_559538813621504_329334293573447269_n.jpg

Sau hơn 1 năm hoạt động, tiệm chè Việt của chị Huyền hiện mở thêm 1 chi nhánh tương tự ở Bankstown. Đây cũng là khu tập trung rất đông người Việt sinh sống ở Sydney.

Người phụ nữ Quảng Bình hy vọng thời gian tới tiệm chè sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều du khách nước ngoài hơn, từ đó có thể lan tỏa món chè của Việt Nam cũng như giới thiệu văn hóa ẩm thực quê hương tới đông đảo thực khách quốc tế.

Ảnh: Chè Thiên An