Chiều 31/5, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức tọa đàm “Khởi nghiệp xanh - Hành trình 10 năm kiến tạo những doanh nông trẻ 2013-2023”.
Nói về quãng đường 10 năm của chương trình, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, hệ sinh sinh thái từ Trung tâm BSA đã mang đến hạnh phúc cho các bạn trẻ trên khắp mọi vùng miền cả nước, từ Hà Giang, Tuyên Quang đến các tỉnh miền Trung, miền Tây… tạo ra phong trào khởi nghiệp ở nhiều nơi.
Theo ông Hoan, làm nông nghiệp là làm gieo trồng, gieo trồng ở đây không phải chỉ mang ý nghĩa trồng cây mà còn là trồng người. Khởi nghiệp không phải chuyện của hôm nay mà khởi nghiệp là chuyện của ngày mai. Hôm nay, chúng ta gieo trồng thì tương lai chúng ta sẽ có kết quả.
“Từ những bạn trẻ chập chững bước chân vào con đường khởi nghiệp thì 5, 10 năm sau, chúng ta sẽ có thế hệ doanh nhân cho đất nước”, Bộ trưởng Hoan nói và cho biết, Bộ sẽ luôn đồng hành cùng chương trình "Khởi nghiệp Xanh" vì một nền nông nghiệp xanh và một thế hệ doanh nông trẻ sẽ trở thành doanh nhân trong tương lai.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit nhận định, giới trẻ ngày nay đã khác nhiều so với ngày xưa khởi nghiệp. Ngày xưa thiếu đủ thứ, từ khả năng thích nghi, kiến thức, kỹ năng, kể cả mạng lưới quan hệ. Nhưng hôm nay, các bạn trẻ tự trang bị cho mình đủ kiến thức trước khi đến với các chương trình khởi nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE), bà Nguyễn Cẩm Chi, cho hay, không chỉ trong khuôn khổ cuộc thi, BSA còn tạo cơ hội để các bạn trẻ trải nghiệm, hoàn thiện doanh nghiệp của mình. Bên cạnh khởi nghiệp, mang sản phẩm thực tế do mình làm ra và đi bán cũng là niềm tự hào, hầu hết các dự án đã có sản phẩm trên thị trường. Do đó, từ năm 2023, FYE sẽ hỗ trợ thêm các bạn trẻ của chương trình “Khởi nghiệp Xanh” về hoạt động xuất khẩu, bằng cách liên hệ với các đầu mối ở thị trường châu Âu, Trung Quốc…
Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm BSA, thông tin, chương trình “Khởi nghiệp Nông nghiệp đổi mới sáng tạo” bắt đầu từ năm 2013, kể từ năm 2023, chương trình đổi tên là “Khởi nghiệp Xanh”. Trong 9 năm qua, đã có khoảng 1.000 chủ dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước tham gia chương trình, từ đó, tạo ra những sản phẩm mới từ tài nguyên bản địa, sản vật quê hương.
Nhiều bạn trẻ từ chương trình đã xuất khẩu hàng chính ngạch qua các thị trường lớn của châu Âu, Mỹ và khu vực như: Kim Hằng Yeshue, Ngọc Hương với các loại bột rau; Phạm Đình Ngãi với Mật hoa dừa; Khánh Hà Ohuga với mì, nui; hạt điều Gia Bảo với sản phẩm từ điều…. Nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao, sản phẩm được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm tiêu biểu nông thôn cấp tỉnh, thành…