Công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 4/5 của Bộ NN-PTNT dẫn thông tin phản ánh của các cơ quan truyền thông và người dân, thời gian qua tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra khá phổ biến, phức tạp tại các địa phương có chung biên giới với các nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Theo Bộ NN-PTNT, đây có thể là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, lây lan sang các địa phương khác. Đặc biệt, gia cầm lậu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân.
Để chấm dứt ngay tình trạng buôn bán gia cầm lậu, ngăn chặn các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đồng thời bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,…
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.
Trường hợp bắt được các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển bất hợp pháp phải tiêu hủy ngay và có các biện pháp xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389, lực lượng quản lý thị trường của địa phương cần chủ động triển khai các hoạt động, giải pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển và buôn bán gia cầm nhập lậu trên thị trường.
Trao đổi với PV.VietNamNet chiều 4/5, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết, tình trạng vận chuyển gia cầm lậu vào Việt Nam đang rất phức tạp, đặc biệt là gà thải loại từ Thái Lan tràn vào.
“Nếu không ngăn chặn và kiểm soát được vấn nạn nhập lậu gà thải loại qua biên giới kịp thời, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước sẽ điêu đứng”, ông nhấn mạnh.
Trước đó, ông Sơn cũng dẫn số liệu thống kê, năm 2022 nước ta nhập khẩu 246.575 tấn sản phẩm thịt gia cầm và gà sống về dùng để giết mổ là 6.603 tấn, tăng 100,8%; từ đầu năm 2023 đến nay nhập gần 51.000 tấn.
Ngoài ra, còn lượng sản phẩm gia cầm tương ứng nhập tiểu ngạch qua biên giới vào nước ta. Đặc biệt, đang có thông tin gà đẻ thải loại "đi bộ" từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam với giá rất rẻ.
Ông ước tính, lượng gà nhập khẩu chiếm khoảng 25% trong tổng lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Đây là con số cực kỳ lớn, gây áp lực với sản phẩm gia cầm nội địa, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi tổng cầu giảm còn tổng cung lại tăng mạnh. Hiện, người chăn nuôi gia cầm ở nước ta phải bán sản phẩm dưới giá thành, chịu lỗ nặng.