Là giảng viên bộ môn Khởi nghiệp - Đổi mới và sáng tạo thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Mở TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn và hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam (VCCI), ThS Lê Hoài Việt đã có cuộc chia sẻ với báo VietNamNet về lĩnh vực này.

khoinghiep.jpg
  ThS Lê Hoài Việt. Ảnh: NVCC

Khởi nghiệp không đơn giản

- Là chuyên gia về khởi nghiệp, anh có chia sẻ gì với người trẻ chuẩn bị khởi nghiệp?

Là người hướng dẫn cho các bạn trẻ thuộc ba chương trình hỗ trợ, phát triển sự nghiệp (Mentoring), tôi nhận thấy các bạn có một điểm chung là “hồng hóa” khi nghĩ tới khởi nghiệp. 

Ngày đầu tiên gặp gỡ các bạn, câu hỏi của tôi luôn là “tại sao em lại chọn khởi nghiệp?”. Bất ngờ khi hầu hết các bạn đều cho là vì thấy xung quanh nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp. Và một điểm chung, là ai khởi nghiệp cũng giàu cả. Vậy nên các bạn cũng muốn khởi nghiệp, thế thôi. Nghe tới đây, tôi phải dừng ngay các bạn, dù là một cú “vả” thật đau, nhưng tôi nghĩ là cần thiết. 

Các bạn trẻ cần biết chặng đường khởi nghiệp chưa bao giờ là đơn giản, suôn sẻ. Sự thật, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp đều thất bại sau 3-5 năm đầu tiên. Khởi nghiệp phải là câu chuyện bền vững và lâu dài, không có chuyện “ăn xổi ở thì”, “sáng làm tối hưởng”. Đối diện và chấp nhận sự thật như thế, thiết nghĩ nên là điều kiện tiên quyết cho các bạn trẻ lập nghiệp. 

- Vậy theo anh, khởi nghiệp, được hiểu như thế nào?

Khởi nghiệp có nhiều cách hiểu. Nói một cách đơn giản, “khởi” là khởi đầu, bắt đầu; còn “nghiệp” là nghề nghiệp, định hướng công việc. Như vậy, khởi nghiệp tức là quá trình mình bắt đầu một công việc nào đó. Là ban đầu, khởi đầu, bắt đầu. Theo cách hiểu này, kể cả một bạn sinh viên mới ra trường, vào một công ty làm nhân viên văn phòng cũng là khởi nghiệp rồi.

Từ vị thế khởi nghiệp là một nhân viên, sau đó tích góp thêm kinh nghiệm, mình có thể hướng đến khởi nghiệp nhưng ở một vị thế khác, một người chủ doanh nghiệp chẳng hạn. 

Theo tôi, có hai hình thức khởi nghiệp chủ yếu. Thứ nhất là khởi nghiệp theo ý tưởng cũ, doanh nghiệp nhỏ. Một loại hình phổ biến nhất mà phần lớn người khởi nghiệp nghĩ đến, đó là mở quán cà phê, quán ăn nhỏ. Mô hình này khá truyền trống, không có gì mới mẻ. 

Thứ hai là khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo. Mô hình này cần người khởi nghiệp một quá trình dài từ ấp ủ, mang thai ý tưởng, nghiên cứu, xây dựng mô hình kinh doanh của riêng mình. Bản thân tôi thích hình thức này, có lẽ một phần do khẩu vị đầu tư của cá nhân, chấp nhận rủi ro nhưng mong muốn lợi nhuận lớn. 

Liên quan các phương án khởi nghiệp, tôi nghiệm ra có 3 loại chủ yếu, ví von từ tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa":

Phương án đầu tiên, kế thừa nghề nghiệp gia truyền của gia đình. Phương án này giống như cách Tôn Quyền thừa kế Đông Ngô từ cha Tôn Kiên và anh Tôn Sách. Phương án này giúp bạn ít trả giá nhất, vì là nghề gia truyền - điều này đồng nghĩa với việc nó đã trải qua quá trình khảo nghiệm của thị trường. Vấn đề của bạn lúc này là cần cố gắng phát huy cái tốt và cải tiến những cái chưa, hoặc không còn phù hợp với xu hướng hiện tại. 

Phương án thứ hai chính là khởi nghiệp một mình. Đây chính là cách mà Tào Tháo, một nhân vật vừa giỏi văn vừa giỏi võ, một mình vừa xây chiến lược vừa chiến đấu. Phương án này có thể giúp bạn đến đích nhanh hơn, nhưng cũng đòi hỏi bạn phải có bản lĩnh cực kì cao, cũng như số vốn không hề ít. Ưu điểm lớn nhất của phương án này là bạn được toàn quyền quyết định, có không gian và điều kiện để có thể vận hành doanh nghiệp hoàn toàn theo cách bạn muốn.

Phương án cuối cùng chính là góp vốn cùng khởi nghiệp giống 3 anh em Lưu - Quan - Trương. Nhược điểm lớn nhất của phương án này là đôi khi quyết định của bạn không được các cổ đông khác thông qua. Để tìm được một nhóm các cổ đông ban đầu phù hợp cũng khá khó khăn, khi vừa phải có niềm tin, hiểu nhau, vừa phải có ưu điểm bổ sung những nhược điểm của những thành viên còn lại.

Làm chủ hay làm việc

- Có phải ai cũng có thể làm chủ?

Chắc chắn rồi. Ai cũng có thể làm chủ, mà căn bản và dễ bắt gặp nhất là làm chủ bản thân.

Tuy nhiên, nhắc đến kinh doanh, đến việc vận hành doanh nghiệp thì không phải dừng lại ở chuyện bạn “có thể” làm chủ hay không, mà phải là bạn “phù hợp” để làm chủ hay không, hoặc là bạn “có làm tốt” hay không?

Bởi thương trường không phải là một cuộc chơi, nếu mang tâm thế làm cho vui, tôi khuyên bạn không nên bắt đầu. Khi đó trên vai bạn không chỉ là một doanh nghiệp, mà còn là rất nhiều những gia đình, những con người khác trong doanh nghiệp. 

Mặc dù có nhiều thuyết chỉ ra rằng, lãnh đạo là khả năng bẩm sinh, và hoàn toàn có thể được thay đổi qua quá trình rèn luyện, cá nhân tôi vẫn nghĩ không phải ai cũng phù hợp để làm chủ. Và thực ra, làm chủ hay làm thuê, chưa thể kết luận ai là người giỏi hơn hay ít thành công hơn. 

Có những người rất giỏi, nhưng chỉ phù hợp để làm thuê. Ví như Khổng Minh - nhân vật khá điển hình của người làm thuê chuyên nghiệp. Nhân vật này chưa một lần có ngai vàng của riêng mình nhưng lại luôn được trọng thị và ngưỡng mộ, thậm chí còn được tôn vinh về trí tuệ hơn cả Lưu Bị. 

Ví như tôi có một người bạn, sau rất nhiều năm làm giám đốc điều hành cho một doanh nghiệp lớn, chị có đủ cả kiến thức - kinh nghiệm - trải nghiệm. Dĩ nhiên, vốn liếng đủ để có thể “ra riêng”, làm chủ doanh nghiệp của riêng mình nhưng chị vẫn không muốn, bởi chị vẫn thấy mình phù hợp nhất khi làm thuê. Và hơn hết, chị là một người khá quan ngại rủi ro. 

Do đó, kết lại, làm chủ hay làm thuê nó còn phù thuộc vào rất nhiều yếu tố: Năng lực, sự phù hợp, tính cách, khẩu vị rủi ro, giới hạn chấp nhận… Tuy nhiên, dù làm ở vị trí nào đi nữa, có cố gắng, bạn vẫn có thể có không gian thi triển tài năng của riêng mình, từ đó gặt hái được nhiều thành tựu. 

- Khởi nghiệp thành công và thất bại đều có bài học riêng. Theo anh, bài học đó là gì?

Thực tế, ai thành công cũng nói hay cả. Nên mới có chuyện hai doanh nhân thành công nọ cho các bạn trẻ lời khuyên, một người thì khuyên không nên đọc sách, người khác lại nhấn mạnh phải đọc sách. Nghe qua, có vẻ ai nói cũng “đúng”, vì hơn hết chính họ là bằng chứng sống còn gì?

Bản thân tôi thì muốn lắng nghe các bài học từ thất bại hơn. Là thành viên Hội đồng tư vấn và hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia phía Nam, với nhiều lần tổ chức giao lưu với các doanh nhân về hành trình khởi nghiệp của họ từ những thất bại, tôi nghiệm ra và mong muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp các lời khuyên sau:

Thứ nhất, không FOMO (Fear of missing out - tức là nỗi sợ bị bỏ lại phía sau). Thật vậy, khi khởi nghiệp, điểm chung của các bạn trẻ là luôn muốn doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ của mình phải đủ đầy chức năng, gom góp mọi thứ tốt nhất, đúng xu hướng thị trường nhất, mà quên đi việc nghiên cứu thị trường thật kỹ, tìm hiểu rõ bản chất và lợi thế cạnh tranh của mình, điều gì làm mình trở nên khác biệt. 

Thứ hai, tinh gọn chi phí và nhân sự. Điều này được hiểu là chúng ta cần và nên thử nghiệm ở quy mô nhỏ để giảm thiểu rủi ro, đồng thời loại những chi phí không trực tiếp tạo ra doanh thu như chi phí thuê mặt bằng xịn, chi phí văn phòng… Cứ chi phí gì, dù nhỏ mà không trực tiếp tạo ra doanh thu, dòng tiền thì cũng nên cắt giảm. 

Thứ ba, xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là điều nên làm, nhưng không phải lúc nào cũng phải giữ nguyên lý tưởng ban đầu. Doanh thương không đơn giản và mọi sự không phải lúc nào cũng như dự tính ban đầu, cần phải linh động, chuyển mình, từ bỏ lý tưởng hoàn hảo, chủ động thay đổi sản phẩm, dịch vụ, cách thực hiện để phù hợp với xu hướng hiện tại, từ đó nuôi sống được doanh nghiệp.