Ths Lê Hoài Việt, giảng viên bộ môn Khởi nghiệp - Đổi mới và sáng tạo thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết khá may mắn vì có cơ hội được đi qua và trải nghiệm sống ở nhiều quốc gia khác nhau.
Theo ThS Việt, có ý tưởng tốt và phù hợp chỉ có thể là một điểm cộng chứ không thể bảo chứng cho việc khởi nghiệp thành công được. Việc kinh doanh thành công cần nhiều hơn như thế.
Công thức thành công
Tháng 2/2023, ThS Lê Hoài Việt được kết nạp thành viên Hội đồng tư vấn và hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia Khu vực phía Nam (VCCI). Mới đây, Lê Hoài Việt nói với VietNamNet về cách để người trẻ tạo ra ý tưởng kinh doanh - chính là tìm đọc nhiều giáo trình về khởi nghiệp, sử dụng các phép tính toán học để kết hợp các ý tưởng cũ lại với nhau, từ đó hình thành nên một mô hình kinh doanh sáng tạo nhưng vẫn rất thiết thực.
Theo đó, bằng cách sử dụng phép tính cộng, chúng ta có thể kết hợp giữa công năng của một chiếc xe ôtô và xe lăn để có được loại xe chuyên dụng với bệ nâng - hỗ trợ người già, người đau ốm - một hình thức khá phổ biến ở nước ngoài.
Tương tự, đối với phép toán trừ, ta có thể hình dung như mô hình lớp học truyền thống khi được lược bỏ đi những bức tường - sẽ có phương pháp học trực tuyến rất hữu dụng. Từ đó mọi người có thể học được bất kể từ đâu, vào bất kì lúc nào.
Bằng cách sử dụng phép nhân, ta có sự ra đời của thể hệ máy tính bảng, kết hợp thêm bàn phím để có chức năng gần như tương tự một cái laptop thông thường, rất nhỏ gọn và tiện lợi.
Hay như cách sử dụng phép chia, có sự ra đời của các dòng điện thoại chia đôi màn hình của các hãng danh tiếng như Samsung, Microsoft.
Ngoài ra, phép di chuyển cũng là một phương thức ThS Lê Hoài Việt quan sát và thấy người ta hay sử dụng để sáng tạo ý tưởng mới. Ví dụ, một số nhà hàng, thay vì đặt khu vực bếp ở sâu bên trong, họ mang khu vực bếp ra bên ngoài mặt tiền quán - như một cách thu hút lẫn thể hiện sự tự tin trong khâu chế biến.
“Tôi tin, chỉ với các phép toán đơn giản này, biết cách áp dụng nhuần nhuyễn, các bạn sẽ sáng tạo ra những ý tưởng kinh doanh mới nhưng vẫn vô cùng thiết thực”.
Với Ths Việt, đổi mới và sáng tạo là một trong số những tiêu chí khi khởi nghiệp - từ đó khai thác và lấp đầy khoảng trống thị trường đối với nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, không phải hễ sáng tạo là sẽ thành công. Theo anh, kể cả sáng tạo cũng cần phải có những tiêu chí cụ thể. Và anh lưu ý các startup cần nhớ, “một sự khác biệt nhỏ có thể đem lại một thành công lớn” - giống như hiệu ứng cánh bướm - “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas”.
Song, khác biệt không có nghĩa là… lạ lẫm. “Như bánh xe bao đời nay đã tròn, cho nên việc sáng tạo một bánh xe vuông để hướng tới một sự khác biệt hoàn toàn là điều không cần thiết. Thay vào đó, hãy tìm cách để ưu việt hơn nó bằng cách nghĩ tới những yếu tố có thể tối ưu hoá độ bền, khả năng vận hành, sự tương tác với môi trường của bánh xe, có vẻ hợp lý hơn”, ThS Việt nhấn mạnh.
“Bắt bệnh” thất bại của startup
ThS Lê Hoài Việt nêu ra một con số thống kê anh thu thập được, có tới 97% các công ty khởi nghiệp thất bại trong những năm đầu tiên. Chỉ 3% các startup được tổ chức sinh nhật lần thứ hai và thành công trong thực tế. Để chữa “bệnh” thì cần phải thấu suốt nguyên nhân “bệnh”. Giảng viên bộ môn khởi nghiệp nhắc tới 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất là việc quản trị nguồn vốn. Startup hay bị gọi vui là một cuộc chơi “đốt tiền”. Do đó việc duy trì và phát triển nguồn vốn là điều hết sức quan trọng, đặc biệt yêu cầu người lãnh đạo cần cân nhắc cẩn trọng trước mọi quyết định.
Thứ hai, đó chính là yếu tố nhân sự, cụ thể là nhóm người đồng sáng lập. Ở yếu tố này theo ThS Việt, dù công ty có trở nên phát triển hơn hay tình hình kinh doanh tệ đi, đều có khả năng ảnh hưởng đến tính đồng nhất của nội bộ. Khi nội bộ nhóm người đồng sáng lập đã không còn tiếng nói chung, định hướng chung phát triển để có thể tiếp tục đồng hành, sẽ dẫn đến việc startup gặp khó khăn. Để tránh phần nào rủi ro này thì ngay từ đầu cần phân định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của từng thành viên.
Cuối cùng, không còn sự tương thích giữa sản phẩm, dịch vụ của công ty và nhu cầu của khách hàng. Đặc thù của hầu hết các mô hình kinh doanh trên thị trường là dễ sao chép, trong khi đó nhu cầu của khách hàng thì thường xuyên thay đổi, kết hợp với yêu cầu về mặt chất lượng lại càng tăng. Nếu startup bỏ quên việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) thì rất dễ không bắt kịp xu hướng của thời cuộc, bị các đối thủ cạnh tranh bỏ lại trên chặng đua chiếm lĩnh thị trường.
Anh Việt cho rằng, nếu đã lựa chọn được một mô hình kinh doanh phù hợp thì việc thành công hay thất bại của một startup, suy cho cùng, cũng chỉ là câu chuyện bạn là người ở lại sau cuối hay sớm rời khỏi thị trường mà thôi.