Năm 2005, nữ sinh Vũ Thị Tần nhận được học bổng du học ngành Hóa học ở Nga. 5 năm sau, cô tiếp tục sang Tây Ban Nha học tiến sĩ.
Hiện tại, TS. Vũ Thị Tần (37 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) giảng dạy các môn Vật liệu vô cơ tại Đại học Bách khoa, Hà Nội.
Giấc mơ từ góc bếp quê
Trong ký ức của TS. Vũ Thị Tần, góc bếp quê đẹp, ấm áp với bao vui buồn thời thơ ấu. Từ góc bếp ấy, mẹ chị lúi húi nấu bữa sáng, bữa trưa… cho con gái lót dạ, đến trường học chữ.
Những năm 1998 - 2000, chị Tần được ngắm nhìn căn bếp ở trời Âu qua các bộ phim trên tivi. Chị thầm ước bếp nghèo của mẹ cũng có ngày đẹp như thế.
Ở căn bếp ấy, chị Tần thỏ thẻ hỏi mẹ: “Mẹ làm thế nào để biến cơm thành rượu?”. Mẹ chị chậm rãi trả lời: “Mẹ ít học, chỉ biết đó là 1 quá trình hóa học”.
Câu trả lời mộc mạc của mẹ thôi thúc nữ sinh Vũ Thị Tần tìm hiểu, theo đuổi đam mê Hóa học. Ba năm học cấp 3, chị Tần đều đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh.
Tiếp đó, chị thi đậu vào khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sở hữu điểm đầu vào đại học cao kèm thành tích 3 năm cấp 3, chị Tần được nhận học bổng sang Nga du học.
Năm đầu tiên đến xứ sở bạch dương, chị Tần học dự bị đại học, chủ yếu bồi dưỡng thêm tiếng Nga. Năm năm tiếp theo, nữ sinh Việt Nam học ngành Hóa tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula (Tula, Nga, cách Moscow 180km).
“Hai năm đầu đại học, tôi gặp khó khăn trong việc ghi chép, nhất là các môn Triết học, Pháp luật, Tâm lý học…
Mùa đông ở Nga kéo dài, tuyết rơi nhiều. Vào những ngày giá lạnh, tôi hầu như không có hoạt động ngoài trời, chỉ đi học rồi về ký túc xá.
Món ăn ở Nga cũng không phù hợp khẩu vị nhiều sinh viên Việt Nam. Thế nên, chúng tôi mua thực phẩm về tự chế biến”, nữ tiến sĩ kể.
Vượt khó và chăm chỉ học tập, chị Tần tốt nghiệp đại học với điểm trung bình 3,81/4.
Ấm lòng nơi xa nhờ bà chủ trọ
Cầm tấm bằng đỏ, chị Tần lưỡng lự lựa chọn giữa việc ở lại Nga tiếp tục học lên thạc sĩ hoặc sang nước khác học tiến sĩ.
Qua tìm hiểu, chị Tần biết ở các nước EU có rất nhiều trung tâm hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu. Điều này thôi thúc chị săn tìm học bổng, tự học thêm tiếng Anh.
“Ngày đó, tiếng Anh của tôi rất kém, bởi cấp 3 chỉ học trường làng. Sang Nga, tôi lại tập trung học tiếng Nga, không có thời gian trau dồi tiếng Anh. Năm cuối đại học ở Nga, tôi thường vào thư viện trường, tìm tài liệu tự học tiếng Anh”, nữ tiến sĩ kể.
Chị Tần chọn học lên tiến sĩ ở Tây Ban Nha. Bởi, nước này không đặt nặng yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh mà chỉ chú trọng về thành tích nghiên cứu và điểm GPA.
Tháng 6/2010, chị Tần trúng tuyển, nhận được học bổng do chính phủ Tây Ban Nha tài trợ.
TS. Vũ Thị Tần kể: “Nơi tôi đến là Oviedo, 1 thành phố miền Bắc của Tây Ban Nha, không có người Việt, tôi thì không biết nói tiếng Tây Ban Nha. Hành trang của tôi là vốn tiếng Anh ít ỏi.
Đến Tây Ban Nha vào một ngày mùa thu, trời se lạnh. Tôi đi tàu điện từ Madrid về Oviedo. Thầy giáo hướng dẫn đón ở bến tàu rồi đưa tôi về nhà trọ”.
Ngoài tiếng Anh, chị Tần phải học thêm tiếng Tây Ban Nha. Do chỉ mang theo 1.000 Euro bên người trước khi nhận học bổng hàng tháng nên chị không có tiền theo học tại các trung tâm ngoại ngữ.
Cô gái Việt tự học tiếng Tây Ban Nha qua mạng, truyền hình, làm bạn với người bản địa. Sau 3 tháng, chị Tần bập bẹ được vài câu thông dụng.
Người Tây Ban Nha rất thân thiện. Vì vậy, khoảng thời gian ở đây, chị Tần được bạn bè, thậm chí bố mẹ của các bạn giúp đỡ về mọi phương diện.
Trong số đó, chị Tần đặc biệt thân thiết với chủ nhà trọ và 1 gia đình người Tây Ban Nha. Cuối tuần, chị thường đến nhà họ ăn uống, nghỉ ngơi. Họ còn mời chị tham gia các chuyến du lịch như thành viên của gia đình.
Hiện tại, chị Tần vẫn giữ liên lạc với bà chủ nhà trọ và 2 người bạn Tây Ban Nha. Mỗi tuần, chị đều dành thời gian gọi điện video, trò chuyện cùng họ.
“Bà chủ trọ và gia đình người Tây Ban Nha yêu thương và xem tôi như con gái. Hàng năm, tôi đều sang Tây Ban Nha thăm họ”, chị Tần xúc động.
Với nữ tiến sĩ, kỷ niệm ở Tây Ban Nha nhiều đến mức kể hoài không hết. Chị trân trọng đất nước xinh đẹp này như quê hương thứ hai.
Dù có kế hoạch về Việt Nam nhưng chị Tần muốn thử sức và học hỏi kinh nghiệm làm việc ở Tây Ban Nha. Vì vậy, chị quyết định đăng ký ứng tuyển vào tập đoàn thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal.
Vượt 3.000 ứng viên và 6 cuộc thi, 2 lần phỏng vấn, nữ tiến sĩ trẻ được nhận vào đội ngũ 30 kỹ sư chất lượng cao phục vụ kế hoạch nghiên cứu của tập đoàn.
Vận dụng những kiến thức đã học tại Nga và Tây Ban Nha, TS. Vũ Thị Tần đã đóng góp cho tập đoàn 15 sáng chế về lĩnh vực vật liệu.
Sau nhiều năm xa quê, chị Tần quyết định quay về Việt Nam, tham gia giảng dạy bộ môn Công nghệ các chất vô cơ, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội.
TS. Vũ Thị Tần chia sẻ lý do về Việt Nam: “Qua tìm hiểu, tôi biết tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đang phát triển rất tốt. Các nhà khoa học trẻ được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều.
Ngoài ra, bố mẹ tha thiết, mong tôi về bên cạnh. Người yêu cũng trông ngóng tôi suốt nhiều năm”.
Bên cạnh việc giảng dạy, TS. Vũ Thị Tần còn khởi nghiệp với các sản phẩm tẩy rửa T-Clean từ ý tưởng góc bếp nghèo của mẹ. Vốn liếng khởi nghiệp của chị là kiến thức “thu lượm” từ giảng đường đại học tại Nga, trong phòng thí nghiệm Tây Ban Nha, ở tập đoàn thép ArcelorMittal…
“Ngay lúc này, khi chia sẻ với mọi người về cuộc sống của mình, tôi cảm thấy bản thân đã khởi nghiệp thành công.
Không phải thành công là mình có nhiều tiền, thành công ở đây là tôi cảm thấy mình có cơ hội được sống, học tập, trải nghiệm rất nhiều nền văn hoá.
Thành công ở đây là được làm những điều mình đam mê, yêu thích và truyền tải những kiến thức cho thế hệ sau.
Và, những thành công mà tôi đạt được đều nhờ vào công nghệ 4.0. Nó giúp tôi vượt ra khỏi bỏ bọc của một người làm thuần khoa học, chia sẻ được rất nhiều điều mình học hỏi đến với mọi người”, TS. Vũ Thị Tần bộc bạch.
Đặc biệt, nữ tiến sĩ nhấn mạnh, nhờ công nghệ 4.0, chị có thể quan tâm, giữ mạch kết nối với bạn bè, người ơn ở nước bạn xa xôi.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nữ tiến sĩ trẻ bỏ giàu sang, trả ơn cho cha nuôi bị ung thư
Từ chối trở về với cha mẹ ruột giàu có, bỏ cơ hội đi du học Canada, cô gái trẻ ở lại chăm sóc cho người cha nuôi bị ung thư.
Phía sau chuyện tiến sĩ giấu gia đình ký giấy hiến tạng
Giữa lúc sức khỏe, công việc ổn định, vị tiến sĩ trẻ bất ngờ giấu gia đình ký tên hiến tạng để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “cho đi là còn mãi”.