Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM do Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM thực hiện đã chỉ ra các thách thức dai dẳng đang cản trở sự phát triển của TP.HCM.
Trong bản báo cáo dài 21 trang vừa công bố, nhóm nghiên cứu do TS. Phạm Thị Thanh Xuân chủ trì, nhận định, nợ công của TP vốn đã sát trần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm thấp hai năm qua khiến room nợ công càng hẹp hơn.
Trần nợ công hạ, TP.HCM hết room tín dụng
Cụ thể, nợ công của thành phố chiếm tỷ lệ 70% thu ngân sách; sau đó được nới lên mức kịch trần là 90% theo Nghị quyết 54/2017/QH14. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Nghị quyết 54 sắp hết hiệu lực vào cuối năm 2022 nhưng hiện vẫn chưa có dự thảo Nghị quyết mới thay thế, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ trần nợ công sẽ bị hạ xuống còn 70%.
Mặt khác, theo quan điểm chủ đạo trong Chiến lược nợ công đến năm 2030 của Chính phủ, các địa phương cần đảm bảo an toàn nợ công và giữ mức nợ công không quá 60% GDP. Đây chính là điểm nghẽn khiến TP.HCM hết room tín dụng, vướng mắc trong khâu huy động vốn vay để có thể triển khai hàng loạt chương trình, dự án đầu tư công trọng điểm cấp thiết sắp tới.
Nhóm chuyên gia còn cho rằng, nguồn lực đặc thù từ "cơ chế 54" chưa kịp hiện thực đã gần về đích. Bởi, Nghị quyết số 54 có hiệu lực từ tháng 1/2018 đến hết năm 2022, như vậy chưa kịp phát huy hiệu quả mà thời hạn đã gần hết, một số nội dung triển khai vào thực tế chậm so với kế hoạch.
Đơn cử, một trọng tâm của Nghị quyết 54 là “cơ chế tài chính đặc thù” chưa được phát huy như mong đợi. Các khoản thu đặc thù từ hạ tầng cảng biển mới được triển khai từ 1/4/2022 do phải hoãn hai lần vì dịch Covid-19, dù doanh thu mang lại còn khiêm tốn nhưng trở thành vấn đề trái chiều ở cấp vĩ mô. Chính sách thu phí về bản chất và mục tiêu tạo nguồn tài chính tại chỗ để nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển, cả đường bộ lẫn đường thủy. Tuy nhiên, thời điểm tổ chức thu phí rơi vào giai đoạn nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn. Do đó, khoản thu đã tạo thêm gánh nặng chi phí cho DN, gián tiếp hạn chế phần nào khả năng phục hồi của DN sau dịch.
Còn khoản thu đặc thù từ quản lý tài sản công do cơ quan Trung ương quản lý, sử dụng trên địa bàn TP.HCM chưa hiện thực, chủ yếu do tính chất phức tạp cần sự phối hợp giữa các bộ ngành. Đến nay, chưa tạo được dòng tiền vào cho ngân sách cả Trung ương lẫn TP.HCM từ chính sách này.
Chính sách thu phí đỗ xe vỉa hè cũng thất bại, thậm chí phát sinh lỗ, nguyên nhân chủ yếu do ứng dụng công nghệ chưa hoàn thiện cũng như thiếu chế tài xử lý vi phạm.
Có 347.000 tỷ mà chỉ giải ngân được 22.000 tỷ
Một điểm nghẽn cũng ảnh hưởng tới TP.HCM là các gói kích thích kinh tế của quốc gia vẫn chưa được hấp thụ vào nền kinh tế. Gói 347.000 tỷ đồng hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, tạo sức bật tăng trưởng tập trung thực hiện trong hai năm 2022-2023, song đến nay chưa giải ngân như kỳ vọng. Theo tính toán, con số giải ngân mới chỉ đạt 6%, tương đương 22.000 tỷ chảy vào nền kinh tế. Cần lưu ý, mục tiêu của các gói kích thích kinh tế phải ưu tiên và có tính khả thi ngay trong ngắn hạn.
Một, ưu tiên giảm gánh nặng chi phí cho các DN, từ đó thúc đẩy sản xuất bật trở lại trong ngắn hạn. Mục tiêu này nên tập trung vào các công cụ giãn và giảm thuế, phí, giãn thuế liên quan đầu vào sản xuất. Các công cụ này không những hiệu quả mà còn tránh được áp lực lạm phát.
Hai, ưu tiên kích cầu tiêu thụ nội địa. Rõ ràng sức tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm có sự đóng góp rất lớn từ sức tăng của tổng cầu. Cầu nội địa phục hồi kéo sản xuất phục hồi tốt, lại ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Công cụ kích cầu hiệu quả vẫn là giảm các sắc thuế thu ở khâu tiêu dùng và hỗ trợ cho DN bình ổn giá, gia tăng chương trình khuyến mãi.
“Đối sánh với hai mục tiêu này, dường như các gói kích thích kinh tế đã thiết kế phù hợp nhưng chưa thực sự thẩm thấu được vào nền kinh tế cả nước nói chung cũng như TP.HCM nói riêng, theo đúng tiến độ kỳ vọng”, báo cáo nêu.
Trần Chung