Chiều cao là điều mà hầu hết mọi người đều mong muốn - đặc biệt là nam giới.
Nhưng các nhà khoa học phát hiện những người cao dễ có nguy cơ cao mắc một số loại bệnh hơn, bao gồm cả ung thư và đột quỵ.
Nghiên cứu gần đây về mối liên hệ giữa chiều cao và sức khỏe có sự tham gia của hơn 280.000 người, hầu hết là nam giới.
Nhóm tác giả đã phân tích gen của các đối tượng khảo sát và tìm thấy một số biến thể ảnh hưởng đến chiều cao cũng liên quan đến tình trạng sức khỏe.
Xác nhận những phát hiện trước đó, phân tích cho thấy những người chân dài có nguy cơ cao bị rung nhĩ (nhịp tim không đều) và giãn tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, nhóm tác giả ghi nhận tỷ lệ bị bệnh thần kinh ngoại biên nhiều hơn ở người cao. Tình trạng này có xu hướng khiến cơ và chi đau, yếu, là kết quả của tổn thương dây thần kinh.
Ở Anh, ước tính cứ 10 người trên 55 tuổi trở lên thì có một người bị ảnh hưởng của bệnh thần kinh ngoại biên.
Giới chuyên môn cũng dự đoán mối liên hệ giữa chiều cao với tình trạng rối loạn cương dương và bí tiểu.
Người cao còn được ghi nhận có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng da và áp xe, loét chân mạn tính, máu đông trong tĩnh mạch và nhiễm trùng xương.
Tuy nhiên, những người được coi là cao thường được bảo vệ khỏi các vấn đề tim mạch, chẳng hạn như cholesterol cao hoặc huyết áp cao.
Theo quan điểm của nghiên cứu, một người được đánh giá là cao nếu có chiều cao là 1,75m.
Con số trên có thể được coi là cao ở các nước như Indonesia, Việt Nam và Nigeria nhưng đó là chiều cao trung bình của một người đàn ông Anh.
Chiều cao thường không được coi là một yếu tố nguy cơ của bệnh tật như cân nặng, tình trạng hút thuốc hoặc chế độ ăn uống.
Nhưng Tiến sĩ Sridharan Raghavan, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết chiều cao có thể “thực sự là một yếu tố nguy cơ”.
Một số giả thuyết cho rằng những người cao hơn có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe ở tay chân vì cách xa cơ thể một khoảng cách lớn hơn. Máu phải di chuyển một quãng đường dài hơn, tác động đến các mạch.
Bàn chân của họ cũng phải gánh một trọng lượng lớn. Những người này dễ bị dị tật ngón chân và bàn chân hơn.
Cao không chỉ do cấu tạo gen mà còn do chế độ ăn uống hoặc môi trường sống của một người trong quá trình trưởng thành.
An Yên (Theo PLoS Genetics, The Sun)