AI tạo cuộc cách mạng trong giáo dục

Trao đổi tại sự kiện phát động “Diễn đàn đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với trí tuệ nhân tạo 2025” diễn ra ngày 9/4, bà Tara O'Connell, Trưởng Chương trình Giáo dục của UNICEF Việt Nam cho hay: AI đang mang đến một cuộc cách mạng trong ngành giáo dục, giúp giáo dục trở nên bao trùm hơn, có tính thích ứng cao hơn và hiệu quả hơn.

AI mở ra nhiều cơ hội cho giáo viên Việt Nam, từ việc tự động hóa các công việc hành chính đến tăng cường cá nhân hóa việc học, từ đó giúp Việt Nam tận dụng AI trong giáo dục để cạnh tranh trên trường quốc tế.

W-ung dung AI trong giao duc 04 1.jpg
Bà Tara O'Connell, Trưởng Chương trình Giáo dục của UNICEF Việt Nam, cho rằng AI có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt giáo viên bằng cách cung cấp các chương trình phát triển chuyên môn dựa trên công nghệ này. Ảnh: M.N

Cũng theo phân tích của bà Tara O'Connell, AI cũng có thể thúc đẩy tính bao trùm trong giáo dục thông qua học tập cá nhân hóa, hỗ trợ giảng dạy từ xa, và cung cấp tài nguyên chất lượng cao cho các cộng đồng yếu thế, bao gồm các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, và trong các tình huống khẩn cấp.

AI cũng có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt giáo viên bằng cách cung cấp các chương trình phát triển chuyên môn dựa trên AI và giảm gánh nặng hành chính. 

Ngoài ra, AI còn giúp nâng cao khả năng tiếp cận cho trẻ khuyết tật, hỗ trợ học đa ngôn ngữ, và nâng cao năng lực ra quyết định dựa trên dữ liệu để đảm bảo công bằng trong phân bổ tài nguyên và quyền tiếp cận giáo dục.

"Tuy nhiên, sự thiếu hụt về năng lực số, đặc biệt là năng lực AI, ở giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục sẽ cản trở việc ứng dụng và tích hợp hiệu quả các công nghệ giáo dục tiên tiến. Thiếu kỹ năng sư phạm số và công cụ AI hỗ trợ giảng dạy sẽ dẫn đến các phương pháp giảng dạy thiếu cập nhật và kém hiệu quả", chuyên gia UNICEF Việt Nam chia sẻ.

W-ung dung AI trong giao duc 2 1.jpg
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, AI đang mang lại cơ hội to lớn trong việc cá nhân hóa học tập, tăng cường tương tác, hỗ trợ giảng dạy, đánh giá và quản trị giáo dục hiệu quả hơn. Ảnh minh họa: RMIT

Đồng quan điểm với đại diện UNICEF Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh: Bên cạnh những cơ hội to lớn trong việc cá nhân hóa học tập, tăng cường tương tác, hỗ trợ giảng dạy, đánh giá và quản trị giáo dục hiệu quả hơn, AI cũng đặt ra nhiều thách thức mới về đạo đức, pháp lý, năng lực ứng dụng và đặc biệt là sự công bằng trong tiếp cận công nghệ.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, AI đã và đang can thiệp vào rất nhiều công việc trong những lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong giáo dục.

Với giáo dục phổ thông, một số xu hướng ứng dụng AI có thể kể đến như dùng AI theo dõi tiến độ học tập của học sinh và điều chỉnh độ khó của bài học; sử dụng chatbot hỗ trợ học sinh trả lời câu hỏi, tìm kiếm thông tin, lên lịch học tập; dùng AI chấm điểm bài tập, kiểm tra trắc nghiệm...

Tại Việt Nam, một nghiên cứu mới đây chỉ ra khoảng 15% trường học tại các thành phố lớn đã ứng dụng AI, riêng Hà Nội là khoảng 25% và TPHCM khoảng 30%. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, có tới 80% giáo viên chưa tham gia khóa bồi dưỡng về AI.

“Việc giáo viên sử dụng các công cụ AI sao cho có ích là rất quan trọng. Vì thế, việc bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng AI cho giáo viên hay xây dựng các khung năng lực AI cho học sinh là một điểm cần quan tâm khi chúng ta nói về việc sử dụng AI trong giáo dục”, ông Nguyễn Trí Thành lưu ý.

Thận trọng khi sử dụng AI trong giáo dục

Chia sẻ nghiên cứu về “Tác động của AI với giáo dục Việt Nam” thực hiện cùng cộng sự, PGS Nguyễn Chí Thành nêu quan điểm cần thận trọng khi sử dụng AI trong giáo dục.

Bởi lẽ, theo ông, hiện nay việc triển khai AI chưa đồng bộ và rộng rãi, kèm theo những lo ngại về sự phụ thuộc AI, đạo đức, trách nhiệm giải trình và an toàn dữ liệu.

W-ung dung AI trong giao duc 01 1.jpg
PGS.TS Nguyễn Chí Thành khuyến nghị cần thận trọng khi sử dụng AI trong giáo dục. Ảnh: M.N

Ba tác động, ảnh hưởng tiêu cực khi ứng dụng AI trong giáo dục được PGS Nguyễn Chí Thành đặc biệt lưu ý gồm: Nguy cơ quá phụ thuộc vào; phụ thuộc vào AI “ảo giác” và thiên kiến”; AI và gian lận trong kiểm tra, đánh giá.

Cụ thể, việc phụ thuộc quá mức vào AI dẫn đến giảm sút các kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo và tự chủ trong học tập cũng như giảng dạy. Bên cạnh đó, các công cụ AI, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn có thể mắc lỗi “ảo giác” và thể hiện các “thiên kiến” không mong muốn, ảnh hưởng đến tính chính xác và công bằng.

“Sự phát triển của các công cụ AI cũng tạo ra những phương thức gian lận mới, tinh vi hơn, và giáo viên có thể khó phát hiện nếu không được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp”, chuyên gia Đại học Giáo dục cho hay.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên Quốc tế Aptech nhận xét: Quan điểm người học lệ thuộc AI dẫn đến kìm hãm sự sáng tạo là có cơ sở và đáng lo ngại. Nếu học sinh, sinh viên dùng AI làm bài tập, lấy lời giải, copy mà không tư duy, họ không phát huy sáng tạo. Điều này nguy hiểm cho cá nhân và nền kinh tế.

"Lợi ích AI lớn, nhưng cần kiểm soát tiêu cực. Internet từng bị chê “chỉ biết copy”, nay khai thác thông tin là kỹ năng bắt buộc. Với AI, thay vì phụ thuộc, chúng ta cần sử dụng giỏi. AI là công cụ, con người quyết định kết quả. Cần nhận thức tích cực và tiêu cực, dùng AI hiệu quả, kết hợp giáo dục để tránh phụ thuộc", ông Chu Tuấn Anh nêu quan điểm.