Trong chuyến du lịch Nha Trang vừa qua, chị Trang (Quảng Trị) bị hỏng điện thoại vì tham gia tour lặn biển ngắm rạn san hô. Với nhiều dữ liệu quan trọng được lưu trong máy, chị Trang khá băn khoăn với việc lựa chọn cửa hàng nào để mua điện thoại mới và chuyển dữ liệu, bởi lo lắng có thể bị rò rỉ dữ liệu cá nhân trong quá trình chuyển.
Với anh Hoàng (Hà Nội), mới đây khi mua điện thoại mới cho người thân, anh không khỏi lo ngại khi được đội kỹ thuật của cửa hàng điện máy đề nghị cung cấp mã mở điện thoại cũ để đưa vào khu vực kỹ thuật thực hiện thao tác chuyển dữ liệu.
Bàn về tình huống kể trên, chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam - NCS phân tích, sự ra đời liên tục của các dòng điện thoại mới kéo theo nhu cầu lớn của người dùng trong việc nâng cấp điện thoại, trong đó có một nhu cầu quan trọng là sao chép dữ liệu từ điện thoại cũ sang điện thoại mới.
Việc sao chép dữ liệu giúp cho người dùng tiết kiệm được thời gian để thiết lập lại môi trường sử dụng, giải trí, làm việc trên điện thoại khi không phải cài lại tất cả các phần mềm ứng dụng cũng như đăng nhập lại tài khoản, mật khẩu trên điện thoại mới.
Hiện nay, có khá nhiều ứng dụng giúp sao chép dữ liệu từ điện thoại cũ sang điện thoại mới. Các dữ liệu được sao chép có thể gồm danh bạ, tin nhắn, hình ảnh, clip đến cả các dữ liệu của các ứng dụng như thông tin tài khoản, session (phiên đăng nhập).
Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều người dùng không thực sự thành thạo việc sao chép dữ liệu nên thường sẽ nhờ người khác biết về kỹ thuật thao tác hộ. “Người dùng cần hết sức cảnh giác bởi đây chính là khâu có thể đưa đến nguy cơ bị lộ lọt dữ liệu cá nhân, hay điện thoại có thể bị theo dõi từ xa”, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn lưu ý.
Cũng theo phân tích của chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, khá nhiều ứng dụng phổ biến đang được sử dụng tại Việt Nam không thực hiện xác minh lại phiên đăng nhập khi chạy trên thiết bị mới, có thể kể đến những ứng dụng phổ biến như WhatsApp, Telegram, Snapchat... Điều này có nghĩa nếu sao chép được dữ liệu sang 2 thiết bị khác nhau thì các ứng dụng này được dùng song song trên cả 2 thiết bị với cùng 1 tài khoản. Thiết bị này nhận dữ liệu gì thì thiết bị kia cũng nhận được và ngược lại.
“Như vậy, nếu "người được nhờ" sao chép dữ liệu cố tình sao chép “thêm" sang thiết bị thứ 2 thì nạn nhân sẽ bị kẻ xấu theo dõi mà không cần phải cài thêm phần mềm nghe lén. Từ đó, sẽ phát sinh những nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền”, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn nêu tình huống giả định.
Để phòng tránh nguy cơ nguy cơ bị lộ lọt dữ liệu cá nhân, bị theo dõi khi đổi điện thoại, vị chuyên gia bảo mật này khuyên người dùng không nên nhờ người khác thực hiện giúp việc sao chép dữ liệu từ điện thoại cũ sang điện thoại mới nếu không giám sát trực tiếp quá trình sao chép. Ngoài ra, người dùng cũng cần chọn cửa hàng hỗ trợ chuyển dữ liệu có thương hiệu, uy tín.
Người dùng cũng nên thường xuyên kiểm tra các thiết bị đang đăng nhập bằng tài khoản của mình bằng cách vào mục “Settings”, chọn “Devices” trong các ứng dụng OTT đang cài trên máy; rà soát và loại bỏ các thiết bị người dùng đang không sở hữu.