Rủi ro “tiền mất tật mang” từ sử dụng pin không chính hãng

Đầu tháng 10/2023, chiếc xe máy điện đang lưu thông trên đường Thạch Lam (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM) thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Chiếc xe trơ khung sau vụ cháy và lộ khối pin “lạ” dưới yên. Những người nhận ra dòng xe này cho biết, pin chiếc xe bị cháy đã được độ lớn hơn so với nguyên bản.

Cách đó không lâu, nhóm người dùng xe máy điện tại Hà Nội chia sẻ trên mạng xã hội trường hợp một chủ xe độ pin để đi được xa hơn. Người này chi hơn 17 triệu đồng để mua khối pin với quãng đường lăn bánh 150 - 180 km, gấp đôi so với pin “zin”. Nhưng mới chỉ hai tháng sau đó, pin độ cho chiếc xe máy điện xuống cấp nhanh, sạc chậm, quãng đường đi không như quảng cáo của bên bán. Sau khi tháo pin kiểm tra, chủ xe tá hỏa khi phát hiện đây là dạng pin cũ được tái chế lại. Các mối hàn, băng keo quấn bảo vệ… được làm sơ sài, cẩu thả.

a1111111.jpg
“Độ” pin xe máy điện, nhiều người dùng thất vọng khi hiệu quả không được như quảng cáo

Với tất cả các hãng xe máy điện trên thị trường, độ hoặc dùng pin không chính hãng đều thuộc diện không được bảo hành xe nếu xảy ra bất kì hỏng hóc nào. Tuy nhiên, nhu cầu mua rẻ, ham “độ” công suất khiến nhiều người vẫn tìm đến những loại pin không chính hãng dễ thấy ở các cửa hàng xe điện hoặc trang mua - bán điện tử.

Anh Trần Khánh An, chủ chuỗi cửa hàng chuyên phân phối xe điện tại Hà Nội chỉ ra thực tế, pin không chính hãng có thể giúp người dùng giảm được một khoản chi phí ban đầu nhất định nhưng thông thường sau đó, người dùng sẽ phải thay thế liên tục vì chất lượng kém, dung lượng pin không đảm bảo. Quan trọng hơn, sử dụng pin không chính hãng hay độ pin công suất lớn hơn là khởi nguồn của những rủi ro về an toàn, đặc biệt là cháy nổ, dẫn đến thiệt hại về tài sản hay nghiêm trọng hơn là về người.

Theo anh An, với những trường hợp độ pin, người thực hiện thường không nắm rõ các thông tin về thông số kỹ thuật, khả năng hoạt động của cell pin (thành phần nhỏ tạo nên bộ pin lớn). Việc không hiểu chi tiết những thông số này, cùng với quá trình độ chế không có nghiên cứu, thử nghiệm bài bản, dẫn đến nguy cơ pin hoạt động không đồng bộ với hệ thống quản lý pin (BMS - Battery Management System) của mẫu xe đó; pin không phát huy hết hiệu suất, hoặc sử dụng quá công suất thiết kế, tiềm ẩn nguy cơ gây đoản mạch, chập cháy.

Vì sao phải sử dụng pin chính hãng?

“Pin chính hãng thường có giá bán nhỉnh hơn so với loại cùng dung lượng từ những nhà cung cấp khác, hoặc không rõ nguồn gốc, nhưng đi kèm đó là sự đảm bảo an toàn cho người dùng khi khía cạnh rủi ro trong quá trình sử dụng pin được kiểm soát tối ưu”, anh Quốc Dũng, chủ một cửa hàng kinh doanh xe máy điện tại TP.HCM cho biết.

Cũng theo anh Dũng, việc dùng pin chính hãng còn được hưởng các chế độ bảo hành của nhà sản xuất, đơn cử VinFast bảo hành pin 5 năm…

Ở góc độ kỹ thuật, ông Trần Việt Phương, một chuyên gia trong ngành điều khiển, tự động hóa cho biết, trong cấu tạo một chiếc xe máy hay ô tô điện, hệ thống pin là thành phần quan trọng bậc nhất. Hệ thống dây chuyền sản xuất pin xe máy điện hiện nay đòi hỏi quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt. Nhà máy sản xuất pin phải được Cục Đăng kiểm và Bộ Giao thông Vận tải cấp chứng nhận. 

a222222.jpg
Sử dụng các sản phẩm chính hãng là một cách bảo vệ bản thân và cộng đồng

Đặc biệt, “trái tim” cho mỗi chiếc xe điện phải đạt tiêu chuẩn khắt khe trước khi xuất xưởng. Vị này lấy ví dụ, dòng pin LFP trên các mẫu xe máy điện VinFast đều đạt chứng chỉ an toàn UN 38.3, QCVN91:2019/BGTVT, được sản xuất riêng ở nhà máy của VinFast. Điều này đồng nghĩa, các sản phẩm trước khi tới tay người dùng phải đạt tiêu chuẩn an toàn trong nhiều điều kiện nhiệt độ, độ ẩm khác nhau cũng như trong các tình huống rung, đoản mạch, sạc quá mức, hay thậm chí thả rơi, ngâm nước… 

Ngoài những yếu tố về phần cứng, theo ông Phương, hệ thống BMS của những đơn vị uy tín như VinFast thường được phát triển phát triển dựa trên quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thói quen di chuyển và sạc xe của hàng trăm nghìn người dùng. Đây là hệ thống đặc biệt quan trọng giúp giám sát chặt chẽ từng cell pin. Nếu phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào của tình trạng pin như nhiệt độ tăng cao, hệ thống sẽ tự động can thiệp hoặc thậm chí ngắt dòng điện để đảm bảo an toàn cho các cell pin khác và phòng ngừa cháy nổ

“Pin chính hãng an toàn vì bảo vệ người dùng bằng cả phần cứng và phần mềm”, ông Phương khẳng định. 

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng pin xe máy điện chính hãng, ngoài hạn chế các nguy cơ về cháy nổ, còn hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, bởi các hãng sản xuất xe điện đều có quy trình thu hồi và tái chế pin bài bản. Trong khi đó, pin trôi nổi trên thị trường thường theo kiểu “mua đứt, bán đoạn”, tức khi đã về tay người sử dụng, số phận pin thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào chủ xe.

“Giá trị của chiếc xe suy cho cùng là đưa người sử dụng đi đến nơi, về đến chốn. Nếu dùng pin giá rẻ, kém chất lượng thay vì pin chính hãng thì thiệt thòi cuối cùng vẫn chính là người dùng. Không chỉ tiền mất tật mang cho bản thân, nguy cơ có thể sẽ khôn lường nếu ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng”, ông Phương khuyến cáo.

Phương Cúc