Trung bình một năm, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tiếp nhận điều trị khoảng 10-15 bệnh nhân trẻ (dưới 40 tuổi) bị nhồi máu cơ tim do sử dụng thuốc lá.
Tháng 6 vừa qua, một nam thanh niên 31 tuổi ở Quảng Ninh có thể trạng to lớn, thừa cân, phải nhập viện cấp cứu vì đau tức ngực trái âm ỉ. Anh cho biết có tiền sử hút thuốc lá 10 năm liên tục, mỗi ngày hút từ nửa bao đến 1 bao thuốc lá. Các xét nghiệm thăm dò tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) phát hiện tình trạng đái tháo đường, men tim tăng nhẹ.
Các xét nghiệm cận lâm sàng khác lúc vào viện không phát hiện dấu hiệu nhồi máu cơ tim đặc hiệu. Tuy nhiên, 2 tiếng sau, bệnh nhân đau ngực, vã mồ hôi trở lại, huyết áp tụt 60/40mmgHg, nhịp tim chậm 39 lần/phút, chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.
Bệnh nhân trẻ tuổi phải can thiệp tim mạch, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời với điện cực trong buồng tim. Kết quả chụp mạch vành phát hiện động mạch vành phải tắc hoàn cuối đoạn 1. Bác sĩ can thiệp nong bóng, đặt 1 stent vào động mạch vành phải cho bệnh nhân giúp anh qua cơn nguy kịch.
Một trường hợp nam giới trẻ tuổi khác cũng suýt tử vong vì hậu quả của hút thuốc là anh T.T.T (34 tuổi, Hà Nội). Người đàn ông này nhập viện trong tình trạng sốc tim, nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành, quả tim không co bóp được. Sau khi được bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cứu sống, anh khai bản thân hút thuốc lá từ năm 14 tuổi, nghĩa là đã được 20 năm. Trước khi vào viện cấp cứu, bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh.
Tác hại thuốc lá với sức khỏe tim mạch
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh lý mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn nhịp tim, phình tách động mạch chủ. Các nguy cơ này tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc.
Hút thuốc lá nhiều gây vữa xơ động mạch. Theo thời gian, các mảng xơ vữa lớn dần lên gây hẹp lòng mạch tại một hay nhiều nhánh động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi cơ tim. Nếu tắc các mạch máu lớn hoặc tắc mạch trên phạm vi rộng do các mảng xơ vữa long ra gây bít tắc, ở nhiều vị trí thì có thể gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, thậm chí là ngừng tim.
Theo các bác sĩ, thực tế những biến chứng tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt lứa tuổi dưới 40, hầu hết là những người hút thuốc lá nhiều. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quân, Khoa Cấp cứu nội nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết trung bình một năm viện tiếp nhận điều trị khoảng 10-15 bệnh nhân trẻ (dưới 40 tuổi) bị nhồi máu cơ tim do sử dụng thuốc lá.
Trong khi đó, Viện Tim TP.HCM dẫn thông tin từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, có khoảng 800.000 ca tử vong mỗi năm do bệnh lý tim mạch gây ra, là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Mỹ. Trong số đó, gần 20% là do hút thuốc lá.
Đối với những bệnh nhân hút thuốc đã có nhồi máu cơ tim, sau điều trị, nếu vẫn tiếp tục hút thuốc, mạch máu sẽ tái hẹp rất nhanh gây nhồi máu cơ tim. Đáng nói, lần tái phát nhồi máu cơ tim thứ 2 sẽ nặng hơn lần thứ nhất rất nhiều.
Để giảm nguy cơ tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim ở người trẻ, cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn mỡ và nội tạng động vật, ăn đủ rau quả, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý, điều trị tốt các bệnh lý nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Những số liệu giật mình vì tác hại thuốc lá với sức khỏe tim mạch
- Hút dưới 5 điếu thuốc/ngày cũng tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp.
- Chỉ hút 1 điếu thuốc/ngày làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên 50%, tăng nguy cơ đột quỵ lên 25% so với người không hút thuốc.
- Tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần ở nữ giới và gấp 3 lần ở nam giới hút từ 20 điếu thuốc/ngày so với người không hút thuốc.
- Nguy cơ xơ vữa động mạch ở người hút thuốc cao hơn 50% so với người không hút thuốc.
- Nguy cơ xơ vữa động mạch ở người hút thuốc thụ động tăng hơn 20% so với người không hút thuốc thụ động.