Quay cuồng trong "bão giá"
Sau thời gian dài chịu lỗ, Công ty Vissan (TP.HCM) cho biết đã tăng 5-15% giá bán các mặt hàng thực phẩm chế biến như xúc xích, đồ hộp, thịt nguội... Việc tăng giá là do giá nguyên vật liệu đầu vào, bao bì... tăng 20-40% so với trước. Mới đây, Công ty Saigon Food (TP.HCM) cũng tăng giá 15% đối với hầu hết sản phẩm thực phẩm chế biến.
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cho biết, sức mua nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến đang giảm. Tuy nhiên, các DN vẫn phải tăng giá bán, do giá đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, theo Hiệp hội DN các khu công nghiệp TP.HCM, với giá xăng dầu và gas ở mức cao kéo dài, nhiều DN đang tính toán hình thành thêm đợt tăng giá bán thực phẩm dù trước đó đã tăng.
Không những thế, các DN cho rằng giá thực phẩm thời gian tới còn tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều người nuôi lợn bị thua lỗ, không tái đàn, dẫn đến thiếu thịt khiến giá tăng lên.
Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam cho hay, nguyên liệu dùng cho sản xuất đồ uống như malt đã tăng 50%, hoa Hublon và đường tăng 15-20%, nguyên phụ liệu khác tăng khoảng 10%, vỏ lon tăng 15-30%, nắp chai tăng 30-35%; ngoài ra còn chi phí xăng dầu và cước vận chuyển tăng 20%, lương nhân viên tăng... Nhu cầu thấp trong khi đầu vào tăng giá mạnh đẩy các nhà sản xuất đồ uống vào lựa chọn khó khăn buộc phải tăng giá. Tuy nhiên, đầu ra lại không tăng tương ứng nên khó chồng khó.
Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, đánh giá, ngành dịch vụ lưu trú chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch, 90% phải đóng cửa do đại dịch Covid; nay mới bắt đầu phục hồi, lại đối phó với bão giá, lạm phát khi thực phẩm, đồ uống các loại đồng loạt tăng giá. Kinh doanh lưu trú tiêu thụ khối lượng thực phẩm và đồ uống rất lớn. Có những khách sạn 50% tổng doanh thu là đồ ăn, đồ uống. Nay giá cả tăng mạnh ảnh hưởng tới sự phục hồi.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2019 (chưa xảy ra Covid-19), tổng thu từ khách du lịch là 755.000 tỷ đồng, đến năm 2020 chỉ còn 312.000 tỷ đồng, năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 180.000 tỷ đồng. Năm 2022 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách; trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá cả nhiều dịch vụ, hàng hóa như: chi phí đi lại, ăn uống tăng, khiến cho khả năng hồi phục lại đối mặt với khó khăn.
Trước bối cảnh đó, ngày 20/5, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống… khi vay vốn ngân hàng sẽ được ngân sách nhà nước cấp bù 2% lãi suất, kéo dài đến cuối năm 2023.
Tránh tăng thuế
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, bên cạnh các gói hỗ trợ về tài chính, an sinh, cần giữ ổn định môi trường chính sách, tránh tăng thuế, phí trong thời gian này.
Khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, kiến nghị phổ biến nhất của các DN hiện nay là không tăng các loại thuế, phí. Tình hình kinh doanh gặp khó khăn, chưa hồi phục sau đại dịch, chi phí đầu vào lại tăng mạnh, nếu tăng thuế, phí thì DN rất lo ngại, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, cho biết.
Thuế phí tăng không chỉ ảnh hưởng đến các DN mà cả người dân. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, với thuế tiêu thụ đặc biệt, nhóm thu nhập nghèo nhất chịu tác động cao hơn các nhóm bên trên, chiếm khoảng 3,47% thu nhập của họ hàng năm. Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, với 3.500 USD/người/năm, do đó tăng các loại thuế, phí sẽ tác động lên tất cả đối tượng, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người nghèo, vốn dễ bị tổn thương hơn cả trong lạm phát. Thuế, phí tăng cũng ảnh hưởng đến sức mua và doanh thu của các DN, dẫn đến giảm doanh thu, cắt giảm lao động, gia tăng thất nghiệp.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng viện VEPR, phân tích, theo dự báo của giới chuyên môn, lạm phát của Việt Nam có thể ở mức 4,5% trong năm nay và vượt ngưỡng 5% trong năm 2023. Các yếu tố gây áp lực lên lạm phát thời gian tới là giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong đó, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm tạo áp lực lớn nhất, do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng hơn 2%, làm gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Trong hoàn cảnh này, nên giảm các loại thuế phí để hỗ trợ các DN. Việc tăng thuế phí là điều nên tránh, bởi thuế phí tăng đẩy giá hàng hóa tăng sẽ tiếp sức cho lạm phát tăng cao.
Trần Thủy