Than phiền vì vắng khách
Sau khi tăng thêm 100 nghìn giá nồi lẩu cá kèo, quán ăn miền Tây của anh Tú tại khu đô thị mới ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) vắng khách hẳn. Mở quán bán lẩu cá kèo, anh Tú đều nhập cá, rau ăn kèm từ các tỉnh phía Nam về nên giá thực phẩm chịu sự ảnh hưởng rất nhiều từ vận chuyển.
Anh cho hay, sau Tết, xăng tăng giá mạnh, cước vận chuyển cũng tăng, chưa kể giá thực phẩm đầu vào cũng cao. Không còn cách nào, anh buộc phải tăng giá bán. Mỗi nồi lẩu từ 250.000 đồng tăng lên 350.000 đồng. Thực đơn của quán giờ đều tăng giá.
“Cực chẳng đã mình mới phải tăng giá. Dù giá cả lên nhưng đặt mua nguyên liệu cũng đang rất khó”, anh Tú nói.
Sau khi tăng giá, lượng khách hàng tới ăn cũng giảm hẳn. “Trước đây, cuối tuần quán thường đông nghịt khách, thậm chí còn không có chỗ. Giờ cả buổi chỉ lèo tèo vài khách, ngày cuối tuần vắng hẳn”, anh cho hay.
Theo anh Tú, nguyên nhân vắng khách do giá cao. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng thắt chặt túi tiền vì tình hình kinh tế khó khăn.
Tương chị, chị Nguyễn Bích Diệp (chủ một quán ăn ở Đống Đa) cũng than phiền vì vắng khách dù đã kinh doanh hơn 5 năm. Từ khi xăng tăng giá, chi phí nguyên liệu đầu vào đều tăng nên quán phải điểu chỉnh. Một số món tăng từ 50.000-100.000 đồng.
Chuyên nhập hàng quê từ quê, chị cho hay, lấy lý do giá xăng dầu tăng, nhà xe đã tăng cước. Hiện mỗi thùng hàng từ 70.000 đồng đã lên 120.000 đồng.
Thời điểm trước dịch bệnh, mỗi ngày chị Diệp thu được mấy triệu tiền. Số khách mua online, mang về cũng nhiều. Nhưng, từ khi mở cửa trở lại tình hình ế ẩm kéo dài. “Tưởng hết dịch bệnh hàng quán đông nhưng giá xăng tăng, mọi thứ cũng lên. Người dân cũng hạn chế ăn uống bên ngoài", chị Diệp than thở. Nhìn vào số lượng bán ra mỗi ngày, chị lo lắng quán có thể phải đóng cửa vì chi phí mặt bằng không giảm.
Theo chị Diệp, chủ nhà cho thuê chỉ giảm giá trong lúc đóng cửa vì dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh doanh hoạt động trở lại, một số nơi đã rục rịch tăng giá cho thuê. Nếu chủ nhà đòi tăng giá thì chị chịu, không biết xoay sở thế nào.
Chủ nhà tăng giá
Trong khi hoạt động kinh doanh ăn uống gặp khó thì không ít người đang ngồi trên đống lửa bởi chủ nhà tăng giá cho thuê mặt bằng. Ảnh hưởng của dịch bệnh, trong thời gian giãn cách, chủ nhà đã hỗ trợ khách thuê bằng cách giảm giá, hoặc không tính tiền mặt bằng. Tuy nhiên, sau khi hết dịch, họ bắt đầu điều chỉnh.
Chị Đỗ Thu Hoài (kinh doanh ăn uống tại Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay, chị đang thuê mặt bằng tại tầng 1 chung cư để bán hàng ăn. Mức giá thuê 35 triệu đồng/tháng. Thời điểm trước dịch, chủ nhà yêu cầu tăng giá 10% sau 2 năm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên họ tạm thời không tăng giá. Mới đây, chủ nhà nhắc lại điều khoản này, khiến chị lo lắng.
“Mình vừa bán trở lại một thời gian, khách cũng không đông. Mình đã nhiều lần bày tỏ mong muốn chủ nhà hỗ trợ nhưng họ vẫn không đồng ý. Thậm chí, họ còn nghi ngờ mình làm trò nên ép tăng giá”, chị Hoài nói.
Theo chị Hoài, kinh doanh ăn uống đang gặp khó khăn từ chi phí đầu vào nguyên liệu cho tới giá mặt bằng. Trong khi đó, món ăn thì không thể tăng giá mãi được, khách hàng sẽ bỏ đi.
Báo cáo của Savills cho thấy trong 3 tháng đầu năm, các chủ đầu tư đã nâng thời gian thuê tối thiểu và áp dụng chính sách tăng giá hàng năm lên đến 10%.
Để giữ chân khách, nhiều chủ quán không còn cách nào khác là chấp nhận giảm lợii nhuận.
Anh Tuấn Anh (chủ quán phở ở Linh Đàm, Hà Nội) cho hay, trước đây mỗi bát phở anh lời 5.000-10.000 đồng, nay anh đành chấp nhận lãi ít hơn để giữ chân khách. Bên cạnh đó, anh Tuấn tìm cách tận dụng tối đa mặt bằng. Ngoài bán buổi sáng, trưa thì chiều tối anh bán thêm cơm và các món nhậu.
Còn vợ chồng chị Nguyễn Bích Diệp (chủ quán ăn ở Đống Đa) thay nhau phục vụ bàn cho khách để cắt giảm nhân viên, đỡ tốn chi phí.
Chị chia sẻ, trước đây, quán chị thuê 3 nhân viên bưng bê, dọn dẹp và trông xe. Chi phí này lên tới hơn 20 triệu đồng bao gồm tiền lương, ăn ở. “Giờ cả vợ chồng đều phải làm để giảm bớt chi phí, nếu tăng giá thì chỉ có đóng cửa quán mà thôi”, chị nói.
Thư Kỳ
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên cả nước, đã khiến ngành du lịch bị tê liệt, các lễ hội lớn phải hủy bỏ, dịch vụ ăn uống đóng cửa. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu thụ đồ uống, nhất là đồ uống có cồn.