Theo trang Defence24, Ba Lan đã quyết định đặt mua 48 tiêm kích hạng nhẹ KAI FA-50 do Hàn Quốc sản xuất. Các tiêm kích này sẽ được sử dụng để huấn luyện phi công không quân của nước này, cũng như hỗ trợ máy bay chiến đấu F-16 nếu cần thiết. Ngoài ra, nếu FA-50 chứng minh được năng lực, Ba Lan có thể đặt mua các máy bay chiến đấu khác của Hàn Quốc như KF-21 Boramea hay F-15 Eagle II.
Trong nỗ lực biến Ba Lan trở thành một cường quốc quân sự của châu Âu, sức mạnh của không quân là thứ không thể thiếu. Việc bổ sung một số lượng lớn máy bay chiến đấu là điều kiện tiên quyết để tăng năng lực tác chiến trên bầu trời, và ngay cả khi Hàn Quốc không phải là một nhà sản xuất máy bay lâu đời như Mỹ hay châu Âu, các tiêm kích của họ lại tỏ ra phù hợp nhất với nhu cầu của Ba Lan.
"Chúng tôi đã cân nhắc kỹ càng các yếu tố như khả năng chiến đấu, tiến độ giao hàng, lợi ích quốc phòng trước khi lựa chọn các tiêm kích do Hàn Quốc sản xuất. Các nhà sản xuất lâu năm như Mỹ và châu Âu không thể đưa ra những cam kết chuyển giao trong thời gian ngắn như Hàn Quốc, ngoài ra mức giá của phương Tây cũng không hợp lý bằng. Theo dự kiến, tiêm kích FA-50 đầu tiên sẽ được giao vào đầu năm 2023", Mariusz Błaszczak, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết.
Cũng theo ông Błaszczak, một ưu thế đặc biệt khác khiến FA-50 được lựa chọn là bởi nó khá tương đồng với tiêm kích chủ lực của không quân nước này, F-16. Vì lẽ đó, FA-50 là một phương tiện không thể phù hợp hơn để đào tạo các phi công trẻ. Ngoài ra, chi phí vận hành và bảo dưỡng của tiêm kích tới từ Hàn Quốc cũng rất dễ chịu.
"Một phi công được huấn luyện bằng FA-50 chỉ cần vài tiếng để có thể tự lái một chiếc F-16. So với những chiếc M-346 đang được sử dụng làm giáo cụ hiện tại, tiêm kích của Hàn Quốc mang lại hiệu quả vượt trội, cũng như rút ngắn được thời gian và chi phí đào tạo", Bộ trưởng Błaszczak nói.
FA-50 là chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ, có tốc độ tối đa 1.770 km/h, có khả năng mang theo 3,7 tấn vũ khí trên 7 giá treo. Để đối phó với những đối thủ trên không, tiêm kích này sử dụng tên lửa không đối không hồng ngoại AIM-9 và tên lửa tầm xa tự dẫn radar AIM-120. Trong các cuộc tác chiến mặt đất, FA-50 sử dụng tên lửa tầm ngắn AGM-65 Maverick và nhiều loại bom, bao gồm cả bom thông minh do Mỹ hay Israel chế tạo.
Việt Dũng