Tôi mới phát hiện ra mình bị ung thư vú, liệu chế độ ăn của tôi có phải là nguyên nhân gây ung thư vú? Nhiều người khuyên bệnh nhân ung thư vú không nên ăn đường, điều này có đúng không thưa bác sĩ?
Hoài Anh (35 tuổi, Hà Nội)
Ths.BS Đặng Thị Vân Anh - Khoa Xạ 2, Bệnh viện K Trung ương: Nhiều phụ nữ đã đặt câu hỏi về chế độ ăn của họ khi biết mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, ung thư là một bệnh lý có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra chứ không chỉ một yếu tố nào.
Nguy cơ ung thư vú có thể liên quan đến chế độ ăn, theo nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư tăng ở những người thừa cân, béo phì, uống rượu.
Người bệnh ung thư vú phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn trong chế độ ăn. Một số điều bệnh nhân ung thư vú cần biết là nhiều thói quen ăn uống lành mạnh có thể giảm nguy cơ tái phát ung thư vú và cải thiện sống còn, đồng thời đảm bảo sức khỏe nói chung.
Điều quan trọng nhất trong lối sống được khuyến cáo ở bệnh nhân ung thư vú là đạt được và duy trì cân nặng hợp lý bằng cách thay đổi chế độ ăn và hoạt động thể chất.
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) duy trì trong khoảng 18.5 đến 24.9
- Chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau xanh, củ quả và ngũ cốc nguyên hạt.
- Duy trì hoạt động thể chất, ví dụ đi bộ 3-5 giờ mỗi tuần.
Chế độ ăn từ thực vật là chế độ ăn nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt và đậu đỗ. Những thực phẩm này cung cấp chất xơ, vitamin và chất khoáng cũng như những chất chống ung thư tự nhiên có trong thực vật.
Hầu hết thức ăn làm từ thực vật có năng lượng thấp, ít chất béo thích hợp cho người cần giảm cân. Khi chọn thực phẩm nên chọn loại ít qua chế biến nhất có thể. Bạn có thể chọn đậu, đỗ thay thế cho thịt.
Chế độ ăn ít chất béo là chế độ ăn mà chất béo chiếm ít hơn 20% tổng số năng lượng trong mỗi ngày. Những chất béo bão hòa là chất béo có trong mỡ động vật, chế phẩm từ sữa như bơ, kem, phô mai, một số loại dầu thực vật như dầu dừa, dầu cọ, bơ ca cao cần hạn chế trong chế độ ăn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn ít những chất béo này giúp giảm nguy cơ tim mạch và một số loại ung thư.
Ăn đường không tốt cho hệ miễn dịch là một sự hiểu nhầm. Trong điều kiện bình thường, khi cơ thể sử dụng đường sẽ không làm tăng đường huyết do cơ thể tiết insulin để điều hòa lượng đường trong máu do vậy không gây tổn hại cho hệ miễn dịch.
Cả tế bào bình thường và tế bào ung thư đều sử dụng đường là nguồn năng lượng. Tuy nhiên, loại bỏ đường ra khỏi chế độ ăn để chống ung thư là điều không thể. Chế độ ăn khỏe mạnh là chế độ ăn sử dụng nguồn đường tự nhiên có trong hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt.