Câu nói đó của cố GS Đặng Phong càng thấm thía khi chúng ta chiêm nghiệm về con người và cuộc đời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu mạch bài về vai trò của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong công cuộc Đổi mới và tạo lậpnền tảng cho phát triển đất nước nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23/11/1922- 23/11/2022).
Ông Bí thư “phá rào”
Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt được nhìn nhận là một người ủng hộ mạnh mẽ cho công cuộc cải cách, đổi mới. Ông đã dám chịu trách nhiệm “xé rào”, “bung ra” trong bối cảnh cơ chế quản lý đời sống kinh tế, xã hội những năm cuối thập niên 1970, từ đó mở đường cho công cuộc đổi mới đất nước sau này.
Bắt đầu từ những năm 1978-1979, cả nước thiếu lương thực nghiêm trọng, người dân TP.HCM phải ăn độn hạt bo bo, ông Kiệt khi đó là Bí thư Thành ủy.
Ông Lữ Minh Châu, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lúc đó là Giám đốc Ngân hàng Thành phố kể lại: “Một buổi sáng ông Kiệt gọi 4 người chúng tôi là Giám đốc Ngân hàng, công ty Lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải đến ‘ăn sáng’. Khi mọi người đến đủ, ông khoá cửa lại cho ăn sáng và nói: Bây giờ có một việc hệ trọng, các anh phải bàn cho ra, nếu không giải quyết xong tôi không cho về.
Ông Kiệt nêu ra cách giải quyết vấn đề lương thực: Đi mua theo giá cao ở đồng bằng sông Cửu Long mang về. Sở Tài chính phải lo ngân sách. Ngân hàng phải lo tiền mặt. Giám đốc công ty Lương thực lúc đó là bà Ba Thi thì đưa tiền, đưa xe xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để mua lúa theo giá sát giá thị trường, gấp 5 lần giá nhà nước, tức 2,5 đồng/kg. Bà Ba Thi lúc đó lo ngại nói với ông Kiệt: “Làm thế này là tôi dễ đi tù lắm, vì dám phá giá nhà nước, lại chuyên chở gạo trái phép”. Ông Võ Văn Kiệt nói: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù, tôi đem cơm cho chị”. (1)
TP.HCM khi đó bị cuốn vào guồng máy kinh tế tập trung. Đến mùa thu hoạch, đồng lúa miền Nam chín vàng nhưng dân ngấp nghé nạn đói. Nhà nước áp giá lệnh 5,2 hào/kg trong khi thị trường là 1,5 đồng, người nông dân không chịu bán. Bí thư TP.HCM Võ Văn Kiệt chỉ đạo công ty Lương thực thu mua lúa của dân với giá tương xứng, cứu đói cho thành phố. Ủy ban Vật giá bèn “kiện” lên Trung ương rằng ông Kiệt phá rào. Bà Ba Thi bị triệu ra kiểm điểm, nhưng sau khi ông Kiệt ra báo cáo, thuyết phục, Tổng bí thư Lê Duẩn đã ủng hộ. Giá thu mua lương thực cả nước nhờ đó được điều chỉnh lên gần với giá trị thực. Đó là một trong những công cuộc “phá rào” thành công lúc bấy giờ.
Tấm lòng với trí thức cũ miền Nam
GS Đặng Phong kể ông Võ Văn Kiệt có một tấm lòng đối đãi với trí thức cũ miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, trí thức miền Nam gặp rất nhiều khó khăn. Là Bí thư Thành uỷ, ông Kiệt đã mời họ nghiên cứu giúp việc cho Thành uỷ, biên soạn những đề án đóng góp với Chính phủ. Vào lúc đó, làm như vậy rất dễ bị chụp mũ là hữu khuynh, mất cảnh giác, mất lập trường… Hầu như tất cả các trí thức cũ miền Nam còn lại lúc đó, kể cả những người sau này xuất cảnh ra đi đều nghĩ tới ông như một trong những ân nhân của mình. (2)
Khi ông Kiệt ra Hà Nội giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông nghe nói một nhóm chuyên gia mà sau này gọi là “Nhóm thứ sáu” đang nghiên cứu các vấn đề về ngân hàng, chống lạm phát. Ông cho mời họ ra Hà Nội trình bày trước Chính phủ. Không những thế, ông còn tuyên bố đồng tình với những ý kiến của họ và trên rất nhiều lĩnh vực ông đã cho thực thi như đề án chống lạm phát, dự thảo pháp lệnh Ngân hàng, đề án xây dựng ngân hàng hai cấp… Sau đó, ông còn cử họ đi sang các nước phương Tây để tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế về cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trợ lý của ông Võ Văn Kiệt cũng kể lại, sau Đại hội Đảng 4 (năm 1976), ông Kiệt đã thấy có những vấn đề kinh tế cần sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm.
Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt được thành lập gồm nhiều chuyên gia được đào tạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa, một số chuyên gia từng làm việc trong chính quyền Sài Gòn cũ. Văn phòng này đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều kiến nghị có giá trị về chiến lược kinh tế, công nghiệp, tài chính - tiền tệ của Thành phố trong những năm đầu sau thống nhất cũng như của cả nước trong những năm sau đó. Tuy vào thời điểm đó, có những tư tưởng kinh tế của Văn phòng không được chấp nhận, nhưng riêng ông Kiệt vẫn rất trân trọng, khuyến khích anh em tiếp tục nghiên cứu.
Ông Kiệt cũng giao nhiều chuyên đề cho “Nhóm thứ sáu” nghiên cứu và nhóm này đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về các chủ trương và giải pháp cải cách giá - lương - tiền cuối những năm 1980.
Năm 1989, các ông Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng và Huỳnh Bửu Sơn được mời ra Hà Nội để tham gia nhóm chuyên gia độc lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Võ Văn Kiệt soạn thảo hai pháp lệnh về tổ chức ngân hàng hai cấp (pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước và pháp lệnh về Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính). Đây là việc có ý nghĩa quan trọng thời đó để phù hợp với việc xoá bỏ hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh, tự do hoá lưu thông tư liệu sản xuất… tách bạch chức năng điều tiết chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương với chức năng kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
Chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn cho hay, lần đầu ra Hà Nội, trước hơn 20 quan chức gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng các bộ có liên quan đến tài chính, kinh tế, các vị trong Ban Kinh tế Trung ương, Ban Công nghiệp Trung ương, Viện Nghiên cứu Kinh tế và các chuyên viên có tầm cỡ, Nhóm thứ sáu quả quyết: “Việc ngăn sông cấm chợ đã làm lệch lạc hệ thống giá cả trong nền kinh tế. Việc cải cách tiền lương là đúng, nhưng những biện pháp không phù hợp tiếp theo đã triệt tiêu hiệu quả của cuộc cải cách tiền lương. Cuộc cải cách giá - lương - tiền có thể đã thành công nếu Nhà nước không đổi tiền”.
Sau đó, ông Võ Văn Kiệt đã có bức thư gửi “Nhóm thứ sáu”, trong đó có đoạn viết: “Tôi đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lĩnh vực trong suốt những năm qua, không phải vì tất cả ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi. Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta... nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của công trình lao động trí tuệ công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của anh em còn không ít khó khăn”.
Đổi mới tư duy
Ông Martin Rama - nguyên Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thừa nhận rằng, các thử nghiệm “phá rào” đã mở đường cho công cuộc cải cách toàn diện sau này được tiến hành bên lề hệ thống, trên làn ranh giới của sự hợp pháp. Tuy nhiên, những người tiến hành các cuộc thử nghiệm này đều giữ vững lòng tin vào Đảng, và đây là lý do vì sao họ nêu lên các vấn đề mà họ quan ngại với thái độ tôn trọng. Lãnh đạo Đảng đã phản hồi ngay và xem xét các mối quan ngại đó.
Ông Rama phân tích, một điều rõ ràng là không phải ai cố gắng đưa ra các thay đổi cũng thành công. Nhưng những khó khăn về kinh tế nảy sinh từ cơ chế cũ đã làm giảm sự phản đối đối với những người thử nghiệm “phá rào”. Do đó, hàng rào mới chỉ bị chọc thủng ở cấp cơ sở, song cuối cùng lại được dẹp bỏ ở cấp trung ương.
Năm 1979, trên tinh thần hoàn toàn ủng hộ phong trào “phá rào”, hội nghị Trung ương 6 đã coi hành động phá giá quy định là “cởi trói sản xuất”. Năm 1980, chính quyền địa phương đã được phép xuất nhập khẩu trực tiếp, nhờ đó hợp thức hóa được các công ty “imex”.
Năm 1981, Ban Bí thư cho phép thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Và cũng trong năm 1981, hệ thống 3 loại kế hoạch cho doanh nghiệp cũng được hợp thức hóa, cùng với việc thúc đẩy mối quan hệ giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp và doanh nghiệp - thị trường.
Chủ trương Đổi mới và công cuộc cải cách kinh tế trên qui mô lớn đã được thông qua trong Đại hội Đảng 6 diễn ra năm 1986. Đến lúc ấy, tư duy chung đã thay đổi, và do đó có thể đạt được sự đồng thuận.
Trong sự đồng thuận này có cả sự nhất trí về việc Đảng cần đánh giá trên tinh thần tự phê những việc đã làm được trong phát triển kinh tế, chịu trách nhiệm về những thất bại, và đề ra biện pháp sửa chữa. Quyết định này là một sự đột phá có ý nghĩa lịch sử. Nó đánh dấu một bước ngoặt từ suy thoái sang hồi phục. Trên hết, nó đánh dấu sự khởi đầu của những thay đổi trong cơ chế quản lý kinh tế chủ chốt - chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường.
Tại Đại hội 6, ông Võ Văn Kiệt được bầu lại làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị. Ông chịu trách nhiệm thiết kế 3 chương trình kinh tế lớn: Phát triển sản xuất lương thực; Sản xuất hàng tiêu dùng; Sản xuất hàng xuất khẩu. Ba chương trình được thúc đẩy đồng bộ, quyết liệt làm thay đổi cục diện kinh tế. Ba chương trình này chính là sự “sửa sai” đối với chủ trương chủ quan duy ý chí trong phát triển kinh tế trước đây, thiên về công nghiệp nặng.
Ông Vũ Quốc Tuấn cho biết thêm, sau Đại hội 6, khi vẫn còn xu hướng giằng co giữa đổi mới và cơ chế cũ, không ít người cho rằng tháo gỡ, đổi mới sẽ mất chủ nghĩa xã hội, ông Kiệt đã thực sự góp sức rất lớn vào việc kiên trì đường lối đổi mới bằng những hoạt động cụ thể.
Năm 1987, ông Võ Văn Kiệt kí ban hành một loạt nghị định cho phép kinh tế tư nhân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, giao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, đóng góp trong việc chỉ đạo soạn thảo dự án luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, quán triệt tư duy đổi mới đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Bài 2: Ông Sáu Dân và đổi mới thể chế
Chú thích:
(1) Theo sách “Ông Võ Văn Kiệt – người thắp lửa” của GS Đặng Phong
(2) Theo sách “Ông Sáu Dân trong lòng dân”
Lan Anh