Mặc dù thuật ngữ loại bỏ ưu tiên dữ liệu (deprioritization) và bóp băng thông (throttling) thường được sử dụng đồng nghĩa trong một số trường hợp. Song, thực tế có nhiều điểm khác biệt, chẳng hạn như cách chúng ảnh hưởng đến tốc độ dữ liệu hoặc thời gian khách hàng bị giảm tốc độ dữ liệu.
Loại bỏ ưu tiên là việc tốc độ dữ liệu người dùng bị chậm lại tạm thời trong thời gian tắc nghẽn mạng, trong khi đó bóp băng thông khiến tốc độ gói cước bị hạ xuống tới mức gần như không thể sử dụng, sau khi khách hàng đã truy cập hết hạn mức dữ liệu hàng tháng theo gói cước đăng ký.
Đến nay phần lớn các gói cước dữ liệu di động “không giới hạn” tại Mỹ đều không thực sự cung cấp dữ liệu một cách vô hạn, thay vào đó các nhà mạng tại đây định giá gói cước phần lớn dựa vào ngưỡng huỷ ưu tiên.
Chẳng hạn, AT&T cung cấp các gói cước có ngưỡng huỷ ưu tiên lên tới 100 GB, đồng nghĩa khách hàng có thể gặp tình trạng tốc độ dữ liệu tạm thời bị chậm lại trong một số thời điểm sau khi vượt qua ngưỡng phân bổ này. Tuy nhiên, ngay khi mạng “hết nghẽn”, tốc độ truy cập của người dùng sẽ tăng trở lại và không tạo ra cảm giác bị gián đoạn trong sử dụng dịch vụ.
Trong khi đó, bóp băng thông ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng theo một cách khác. Với hoạt động này, việc sử dụng dữ liệu của khách hàng bị chậm lại đáng kể, tới mức về cơ bản là không thể sử dụng được, thậm chí ngay cả với những tác vụ cơ bản như truy cập email.
Nâng ngưỡng huỷ ưu tiên thay vì bóp băng thông
Các gói cước dữ liệu di động của AT&T bao gồm hai loại chính: gói không giới hạn và gói trả trước. Khách hàng sẽ có nhiều đặc quyền, tốc độ cao nhất và dịch vụ cao nhất với lựa chọn “unlimited”, đồng thời cũng là gói có chi phí hàng tháng cao nhất (bắt đầu từ 35 USD đến 80 USD/tháng).
Hiện gói không giới hạn của nhà mạng này được chia làm ba gói phụ (Starter, Extra và Premium). Song, bên cạnh một số dịch vụ đi kèm, điểm khác biệt chủ yếu của các gói thuê bao dữ liệu nằm ở ngưỡng huỷ ưu tiên. Ví dụ, với gói cơ bản Starter, khách hàng không được ưu tiên tốc độ cao trong trường hợp đang ở trong vùng nghẽn mạng. Còn đối với Extra, người dùng sẽ chỉ mất đi “đặc quyền” khi sử dụng quá ngưỡng ưu tiên 50 GB. Trong khi đó, gói cao nhất Premium không có mức trần huỷ ưu tiên để đem đến trải nghiệm chất lượng tốt nhất.
Trong khi đó, một nhà mạng lớn khác của Mỹ là Verizon cũng tung ra lựa chọn gói cước Unlimited Plus với điểm nhấn không áp trần ưu tiên và cam kết không bóp băng thông người dùng.
CEO Verizon Consumer Group, Sowmyanarayan cho biết, công ty viễn thông này đã dành nhiều năm nghiên cứu hành vi tiêu dùng và kết luận rằng khách hàng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho một mạng lưới đáng tin cậy có trải nghiệm dịch vụ xuyên suốt.
T-Mobile cũng đã từ bỏ việc bóp băng thông người dùng dữ liệu di động, với các gói cước mở rộng trần ưu tiên lên 100 GB hoặc không áp trần (với lựa chọn cao nhất Magenta MAX). Với các gói cơ bản, nhà mạng này huỷ ưu tiên dữ liệu khách hàng khi sử dụng vượt quá 50 GB tốc độ cao.
Tại Việt Nam, hiện có hàng triệu thuê bao di động sử dụng smartphone hiện đại, nhưng vẫn đang sử dụng các gói cước mobile data có tính năng “bóp băng thông”, khi sử dụng hết dung lượng data tốc độ cao. Mặc dù các nhà mạng có thông báo chính sách gói cước “bóp băng thông”, tuy nhiên nhiều khách hàng đã không để ý và khi truy cập mobile Internet ở tốc độ thấp (256Kbps hoặc 512Kbps) nghĩ đến việc mạng bị sự cố, hoặc chất lượng mạng bị ảnh hưởng bởi sự cố cáp quang biển gần đây.
Các khách hàng trẻ thường quan tâm đến tốc độ cao khi truy cập Internet, dẫn đến tâm lý tiêu cực khi bị áp dụng tính năng hạ băng thông trong quá trình sử dụng mobile data. Các nội dung khách hàng trẻ quan tâm thường yêu cầu lưu lượng data lớn khi truy cập như: game, video, mạng xã hội… Đôi khi điều này ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu của các nhà mạng trong mắt khách hàng trẻ.
Với gói cước “bóp băng thông” của các nhà magnj làm méo mó về chất lượng dịch vụ này với các công cụ đo kiểm xuyên biên giới và của Việt Nam. Thực tế hiện nay, hạ tầng viễn thông di động tại Việt Nam luôn được đánh giá là hiện đại trong khu vực, với hơn 100.000 trạm phát sóng 4G và công nghệ 5G đã được thử nghiệm tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thế nhưng, theo kết quả đo kiểm bằng ứng dụng iSpeed của Trung tâm Internet Việt nam (speedtest.vn) thì tốc độ download trung bình của thuê bao di động tại Việt Nam vào tháng 5/2023 chỉ là 36,16 Mbps. Theo công bố của Okala, tốc độ download trung bình của thuê bao di động tại Việt Nam vào tháng 5/2023 là 46.72 Mbps, cao hơn công bố của Trung tâm Internet Việt Nam một chút, nhưng chỉ đứng thứ 48 trên thế giới và vẫn thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực như Singapore (71.69 Mbps) và chỉ bằng khoảng ½ so với các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc…
(Theo TechRadar, Mashable, Whistleout)